Hỗ trợ cho vay trả lương lao động bị ảnh hưởng dịch Covid- 19: Vốn sẵn có, nhưng khó giải ngân
Tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, chị Võ Thị Mỹ Lê - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tất Thành (hoạt động kinh doanh khu liên hợp nhà hàng – khách sạn T&T) chia sẻ, năm 2019 trở về trước, đơn vị của chị hoạt động kinh doanh khá nhộn nhịp với 2.000 – 4.000 lượt khách/năm đến nghỉ dưỡng, tổ chức các hoạt động sự kiện nhạc hội, tiệc cưới… Doanh nghiệp có 10 - 15 lao động; trong đó 4 người được đóng bảo hiểm xã hội và còn lại lao động theo thời vụ.
Thế nhưng, tháng 1/2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh hoạt động của đơn vị, lượng khách giảm đến 80 - 95%/tháng. Trước khó khăn trên, doanh nghiệp đã cho nhân viên tạm nghỉ việc do không có doanh thu để trả lương.
Đến tháng 10/2020, qua công tác tuyên truyền của hệ thống NHCSXH, chị Lê đã mạnh dạn đến NHCSXH huyện Kon Plông và được hướng dẫn hoàn tất hồ sơ vay 18,4 triệu đồng để chi trả lương cho 4 lao động có đóng bảo hiểm xã hội.
“Bản thân tôi và người làm ở Công ty rất vui khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trên để khắc phục những khó khăn, ổn định cuộc sống; đồng thời giúp người làm công ăn lương có thêm nguồn động lực tiếp tục tham gia với doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh cho đến nay”, chị Lê tâm sự.
Giám đốc NHCSXH huyện Kon Plông Ngô Xuân Thành cho biết: Thực hiện chỉ đạo của NHCSXH các cấp, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, tích cực hướng dẫn 27 doanh nghiệp ở địa phương (người sử dụng lao động) có sử dụng lao động tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính sách. Đến tháng 12/2020, NHCSXH huyện Kon Plông đã hỗ trợ 2 doanh nghiệp vay vốn 23 triệu đồng chi trả lương cho 10 lao động.
Ở huyện Sa Thầy, thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp về triển khai tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp (người sử dụng lao động) bị ảnh hưởng dịch Covid -19, trong năm 2020, NHCSXH huyện đã phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền đến 64 doanh nghiệp trên địa bàn về các chính sách ưu đãi cho vay, đến nay đã xem xét giải ngân cho một đơn vị vay 30,8 triệu đồng chi trả lương cho 8 lao động có đóng bảo hiểm xã hội.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Văn Chung cho biết: Để thực hiện tốt các Nghị quyết 42, 154 của Chính phủ và các Quyết định số 15, 32 của Thủ tướng về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, năm 2020, ngân hàng và các Phòng giao dịch đã tham mưu UBND tỉnh, UBND cấp huyện ban hành văn bản chỉ đạo và nhanh chóng triển khai quy trình, thủ tục cho vay đến các cơ quan, đơn vị liên quan; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho vay trong toàn thể cán bộ của đơn vị; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, chủ động tiếp cận hơn 1.000 doanh nghiệp (người sử dụng lao động) vừa và nhỏ, nhằm nắm bắt nhu cầu vay vốn, tạo điều kiện hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ, phê duyệt cho vay kịp thời, đúng quy định.
Đến ngày 31/1/2021, toàn tỉnh đã có 6 đơn vị, doanh nghiệp được tạo điều kiện cho vay hơn 310 triệu đồng để chi trả lương cho 67 lao động có bảo hiểm xã hội bắt buộc bị ngừng việc do ảnh hưởng đại dịch Covid – 19 trong năm 2020 ở các huyện Kon Plông, Sa Thầy và thành phố Kon Tum.
Tuy nhiên, thực tế nguồn vốn vay ưu đãi chính sách trên dành cho doanh nghiệp không ít (hơn 16 nghìn tỷ đồng được Chính phủ giao cho NHCSXH Trung ương triển khai toàn quốc với lãi suất là 0%), nhưng hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tiếp cận được nguồn vốn, nguyên nhân do có một số ràng buộc theo quy định khi vay vốn, chẳng hạn như: Doanh nghiệp, hoặc người sử dụng lao động không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019. Người lao động của các đơn vị vay vốn phải có bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì doanh nghiệp mới đủ điều kiện cơ bản để tiếp tục xem xét các điều kiện còn lại cho công tác giải ngân vốn vay ưu đãi.
Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là kinh doanh vừa và nhỏ, hoạt động ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp, xuất khẩu hàng hóa thô, công việc theo thời vụ. Do vậy, phần lớn doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ, rất ít lao động được đóng bảo hiểm xã hội. Bởi vậy, đã có không ít doanh nghiệp “thoái lui” khi tự xem xét, đánh giá không có đủ các tiêu chuẩn đảm bảo những điều kiện để được vay vốn.
Trước khó khăn trên, NHCSXH tỉnh Kon Tum cũng như doanh nghiệp (tổ chức, đơn vị, người sử dụng lao động) mong muốn tỉnh, Trung ương sớm xem xét, điều chỉnh “nới lỏng” các điều kiện quy định, để các doanh nghiệp (người sử dụng lao động) có thể tiếp cận nguồn vốn chính sách (nếu được triển khai tiếp theo thời gian tới) nhằm tạo điều kiện duy trì hoạt động và trả một phần lương cho lao động trong thời điểm khó khăn khi tình hình dịch covid vẫn đang diễn biến phức tạp.
Mai Trâm
Các tin bài khác
- » Trái ngọt mùa xuân từ nguồn vốn chính sách
- » Hành trình của niềm tin và sứ mệnh vì người nghèo
- » Tăng công lực cho phương thức truyền tải nguồn vốn chính sách
- » Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020: 10 NĂM VÀ NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬC
- » CHỈ THỊ SỐ 40-CT/TW: Tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội
- » NGÀNH NGÂN HÀNG 2020: Khẳng định bản lĩnh giữa khó khăn
- » Mang xuân ấm đến đồng bào cả nước
- » Đảng bộ NHCSXH TW tham dự Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên Trung ương tháng 01/2021
- » NHCSXH tỉnh Quảng Nam xây cầu giúp người dân Sóc Trăng
- » Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII