Hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm tại Yên Phong

06/06/2013
(VBSP News) Sau 10 năm triển khai chương trình cho vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm qua NHCSXH, đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng dư nợ đạt gần 54 tỷ đồng với hơn 1.000 dự án.
Từ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, gia đình chị Nguyễn Thị Thụy ở thôn Tiền, xã Văn Môn, huyện Yên Phong đã đầu tư sản xuất đồ gỗ đem lại hiệu quả kinh tế cao

Từ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, gia đình chị Nguyễn Thị Thụy ở thôn Tiền, xã Văn Môn, huyện Yên Phong đã đầu tư sản xuất đồ gỗ đem lại hiệu quả kinh tế cao

Là một trong những đơn vị cho vay hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm, NHCSXH huyện Yên Phong đã tận dụng tối đa nguồn vốn, giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Sử dụng tốt nguồn vốn này, nhiều mô hình đã từng bước mở rộng về quy mô, chất lượng có hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình đó không chỉ bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống hộ gia đình vay vốn mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Đến thăm cơ sở chế biến đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Nguyễn Văn Lương, chị Nguyễn Thị Thụy ở thôn Tiền, xã Văn Môn mới thấy hết hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH. Năm 2009 gia đình chị Thụy được vay 100 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH để sản xuất đồ gỗ. Chị tâm sự: “Nhờ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, đến nay tôi nhận được khá nhiều đơn đặt hàng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ ngay đến đó, nhờ vậy cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá. Không những vậy, gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Nhưng số vốn 100 triệu đồng với cơ sở sản xuất của gia đình là quá ít, tôi mong Nhà nước có cơ chế cho mỗi dự án kinh doanh vay lên 500 triệu đồng để mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động”.

Còn gia đình bà Nghiêm Thị Hòa ở thôn Nghiêm Xá, thị trấn Chờ cũng được vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Yên Phong để đầu tư chăn nuôi và làm dịch vụ xay xát gạo. Mỗi năm gia đình bà nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa 20 con và 800 con gà đẻ. Bình quân mỗi ngày xuất ra thị trường gần 700 quả trứng gà thu được 5 triệu đồng. Bà Hòa cho biết: “Cũng nhờ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm của NHCSXH mà gia đình đầu tư chăn nuôi, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Nhưng với số vốn 20 triệu đồng/lao động quá ít so với nhu cầu thực tế”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đình Yên - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm rộng nhưng nguồn vốn có hạn, chính là những trăn trở trong quá trình thực hiện giải ngân nguồn vốn này. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi quá trình đô thị hóa đang phát triển nhanh, nhiều diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, người dân phải tự chuyển đổi nghề nghiệp, đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều mặt, trong đó vốn cho giải quyết việc làm giữ vai trò quan trọng”.

Cùng với hướng tập trung nguồn lực cho các mô hình lớn, mong muốn của những người làm công tác cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là tỉnh cần thành lập Quỹ cho vay giải quyết việc làm để tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách cụ thể, đặc biệt về tiêu chí tăng lao động, tạo việc làm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình khi vay vốn. Với người vay vốn, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách thuận lợi, không gặp phải những rào cản về thủ tục, mức vay được tăng lên… sẽ góp phần phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Bài và ảnh Hà Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác