Giúp nông dân Hà Tĩnh có vốn làm kinh tế trang trại
Tạo gia sản cho nông dân
Năm 2016, gia đình anh Phạm Quốc Dũng mua 11ha đất vùng đồi núi tại thôn Vĩnh Yên - nơi khó khăn của xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ để lập nghiệp. Chỉ việc xây căn nhà cấp 4 vừa ở, đầu tư đường điện cũng đã làm cho người thanh niên mới “khởi nghiệp” này hết vốn. Đầu năm 2017, được Hội Nông dân xã Đức Lạng tín chấp, anh Dũng được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng. Có vốn, anh Dũng mua giống keo tràm và cam để trồng. Đến nay, sau hơn 3 năm “khởi nghiệp”, chị Huyền, anh Dũng đã trồng được 7ha keo tràm và 4ha cam. Ngoài ra, tận dụng đồi núi, đôi vợ chồng trẻ này còn nuôi bò và hàng trăm con gà để lấy ngắn nuôi dài.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lạng Nguyễn Hữu Minh cho biết: Đến nay, dư nợ vốn vay của NHCSXH do Hội quản lý đạt trên 11 tỷ đồng, với 245 hộ vay vốn. Nguồn vốn này đã giúp hội viên nông dân đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các mô hình trang trại, không chỉ thoát nghèo, làm giàu cho chính mình, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Một mô hình phát triển hiệu quả từ vốn vay NHCSXH là trang trại của gia đình anh Hồ Tú Nam ở thôn Sơn Bình 2, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh. Anh Nam tâm sự: “Đầu tư làm trang trại nên tôi rất cần vốn. Được vay 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình tôi đã mở rộng quy mô trồng rau sạch và chăn nuôi lợn, bò, gà. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên trang trại gia đình cho thu nhập cao. Tôi đã trả lãi, trả nợ đúng thời hạn cho ngân hàng”.
Hiện trang trại của gia đình anh có 20 con bò, 10 con lợn và hơn 500 con gà. Bên cạnh đó, anh còn trồng thêm 10ha rừng keo lá tràm. Trang trại của anh Nam không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 3 lao động tại địa phương, với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Ủy thác vốn vay hiệu quả
Năm 2021, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh thực hiện tốt kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động ngân hàng hiệu quả và góp phần tích cực vào sự ổn định của nền kinh tế, chính trị - xã hội của địa phương.
Đến nay, dư nợ ủy thác cho vay của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đạt trên 4.900 tỷ đồng, tăng 34,8% so với năm 2020 và chiếm 99,9% tổng nguồn vốn. Trong đó, dư nợ cho vay được ủy thác qua Hội Nông dân đạt trên 1.830 tỷ đồng với 40.384 hộ vay vốn thuộc 1.183 Tổ tiết kiệm và vay vốn, cao nhất trong các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác. Nhờ làm tốt công tác quản lý vốn vay nên nợ quá hạn ủy thác của Hội Nông dân đến nay chỉ 0,329 tỷ đồng, chiếm 0,018% và giảm 244 triệu đồng so với năm 2020.
Không chỉ trao “cần câu”, để giúp người dân địa phương thoát nghèo một cách bền vững, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức các lớp tập huấn KHKT, tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận với những phương thức sản xuất mới, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả. Bởi vậy, trên địa bàn toàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình từ hộ nghèo làm ăn nhỏ, đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương… Được hỗ trợ vốn, hướng dẫn KHKT, hội viên nông dân tỉnh Hà Tĩnh tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào nông dân SXKD giỏi. Bình quân hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh có trên 80.000 hộ hội viên giỏi là những triệu phú, tỷ phú nông dân.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh Lưu Văn Minh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức lồng ghép tập huấn công tác quản lý, nghiệp vụ ủy thác tới Ban giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, hội ủy thác cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức chính trị - xã hội nói chung và Hội Nông dân nói riêng nhằm nâng cao trình độ quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách cũng như tổ chức thực hiện nhiệm vụ ủy thác tại cơ sở”.
Bài và ảnh Thu Hà
Các tin bài khác
- » Vững niềm tin, ý chí, quyết tâm góp phần thắng lợi và thành công
- » Chia sẻ khó khăn với người dân vùng dịch Bắc Giang
- » Việc bỏ phiếu được tiến hành liên tục, cử tri không được đi bầu hộ
- » Vốn chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới trên quê hương Bác Hồ
- » Vốn giảm nghèo trên hành trình đến với Bắc Ninh
- » Vốn vay ưu đãi với sứ mệnh “bà đỡ” cho người nghèo
- » Để người dân nông thôn tỉnh Yên Bái có nước sạch sinh hoạt
- » Nha Trang: Nỗ lực giảm nợ quá hạn
- » Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu quỹ chương trình cho vay giải quyết việc làm
- » Tiếp sức cho người dân vùng khó khăn