“Điểm tựa” cho thanh niên khởi nghiệp
Như nhiều thanh niên trong tỉnh, anh Phạm Phú Quý ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn đã từng có giai đoạn khó khăn trong việc xây dựng kinh tế gia đình. Học xong trung cấp nghề, nhưng rất khó tìm được việc làm, anh Quý quyết định tiếp quản nghề truyền thống đan cói bèo bồng của bố mẹ để lại. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất anh gặp phải đó là quy mô sản xuất của gia đình nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp. Muốn đầu tư mở rộng sản xuất cần nguồn vốn khá lớn. Trong khi vốn tự có của anh và gia đình rất hạn hẹp.
Đang đứng trước khó khăn thiếu vốn, may mắn anh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho Đề án “Hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Với khoản vay 200 triệu đồng cùng vốn tự có đã giúp anh Quý đầu tư mở rộng nhà xưởng, kho chứa hàng và mua mới máy sấy khô thành phẩm. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn này đã giúp xưởng sản xuất của anh từng bước khôi phục do tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Anh Quý cho biết, cơ sở sản xuất chuyên làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu như giỏ, khay, đồ trang trí… từ nguyên liệu cói và bèo bồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chính chủ yếu là Hà Lan và Đức, đây đều là những nơi đã chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Do vậy, hàng xuất đi chậm, có tháng giá trị xuất khẩu của cơ sở đã giảm 30 - 40%.
Trước những khó khăn trên, cơ sở đã liên hệ và ký kết với nhiều doanh nghiệp, địa phương miền Trung và miền Nam để cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất bền vững; tiếp tục cải tiến mẫu mã sản phẩm, nỗ lực khơi thông thị trường tiêu thụ, tiết giảm các chi phí không cần thiết, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn chính sách ưu đãi để trả lương cho người lao động. Dần dần cơ sở đã khắc phục khó khăn, thích ứng nhanh với tình hình mới, đưa hoạt động sản xuất ổn định.
Trong năm 2020, nhưng doanh thu của cơ sở vẫn đạt 5 tỉ đồng. Hiện nay, 1 tháng cơ sở xuất khẩu từ 2 - 3 công te nơ sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người và hàng nghìn lao động thời vụ.
Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” và được HĐND tỉnh thông qua theo Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018. Đề án bắt đầu triển khai từ năm 2019 theo phương thức ngân sách tỉnh bố trí kinh phí chuyển sang chi nhánh NHCSXH tỉnh cho vay ủy thác.
Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Cường cho biết: Thực hiện Đề án “Hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”, những năm qua, chi nhánh phối hợp với Tỉnh đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai chương trình tới tất cả các đoàn viên, thanh niên đang có nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh.
Tính đến hết tháng 9 năm 2021, dư nợ cho vay theo Đề án đạt 19.775 triệu đồng với 3.311 cá nhân thanh niên, tổ chức do thanh niên làm chủ được vay vốn. Các dự án của thanh niên được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Như vậy, nguồn vốn chính sách của tỉnh đã hỗ trợ thiết thực cho các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại khu vực nông thôn.
Nhằm tiếp tục khẳng định vai trò là điểm tựa cho thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi theo Đề án “Hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” tới các đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.
Đồng thời, phối hợp với Tỉnh đoàn tập huấn cho cán bộ đoàn ở cơ sở, các Tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác, giúp thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để có điều kiện học tập, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương.
Bài và ảnh Hồng Giang
Các tin bài khác
- » Tặng máy tính hỗ trợ học tập cho các Lá chưa lành, học sinh mồ côi
- » Đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững
- » Lao động hồi hương đứng dậy sau dịch, không ai bị bỏ lại phía sau
- » Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi
- » Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP
- » Kỳ 2 - Bảo đảm vay vốn công khai, minh bạch, đúng đối tượng
- » Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 (Kỳ 1 - Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp)
- » Hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm ở Sơn La
- » Giúp dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Khơi thông dòng vốn chính sách ở “vùng xanh” Dĩ An