Tín dụng chính sách ở vùng đất cổ Ninh Bình

22/07/2019
(VBSP News) Những năm qua, Ninh Bình đã tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo bình quân của tỉnh xuống còn 1,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn mới.
Vay vốn ưu đãi đã và đang giúp người dân Ninh Bình ổn định cuộc sống

Vay vốn ưu đãi đã và đang giúp người dân Ninh Bình ổn định cuộc sống

Vào một ngày hè nắng chói chang, chúng tôi đi thăm những cánh đồng trồng cây có múi rộng hơn 500ha ở xã Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách vùng quê này được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, cây có múi. Từ đó, nhiều hộ nông dân đã thay đổi tập quán tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, thu nhập tăng, nộp lãi trả nợ đầy đủ, đúng quy định cho ngân hàng. Nhiều gương sản xuất giỏi từ sử dụng đồng vốn ưu đãi hiệu quả xuất hiện ngay trên mảnh đất quê hương.

Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở thôn 3, xã Phú Long, chúng tôi thấy được đồng vốn tín dụng ưu đãi có ý nghĩa lớn lao đối với người dân miền núi Nho Quan. Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn, hai vợ chồng không có việc làm ổn định, các con nhỏ đang tuổi ăn học. Chị đã từng vay vốn hộ nghèo đầu tư chăn nuôi và trồng trọt nhỏ lẻ, nhưng do thiếu đầu ra ổn định nên hiệu quả không cao. Năm 2014, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Nho Quan để đầu tư trồng trọt theo quy trình Vietgap. Từ nguồn vốn này, vợ chồng chị Liên cải tạo vườn đồi, mở rộng quy mô từ 1ha lên 8ha, bao gồm 2ha thanh long đỏ, 4ha dứa thơm, 2ha cam Vinh, bưởi diễn, thu lãi đến 200 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi thỏ của anh Đặng Khánh Duy mang lại hiệu quả kinh tế cao

Mô hình nuôi thỏ của anh Đặng Khánh Duy mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cũng là đối tượng sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH, anh Đặng Khánh Duy ở xã Lạc Vân phát triển đàn thỏ nái từ 50 lên 100 con và trong các ô chuồng luôn có 200 - 300 thỏ thương phẩm. Với giá bán dao động khoảng 80.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình anh xuất chuồng trên 100 con thỏ thịt, thu nhập 20 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Duy còn tích cực vận động bà con trong xã cùng sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư chăn nuôi thỏ, chung sức thành lập Hợp tác xã chăn nuôi thỏ Lạc Vân, với 13 gia đình thành viên, đạt sản lượng xuất bán hàng nghìn con/tháng.

Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, Đinh Văn Tiên đánh giá: Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã giải quyết được yêu cầu bức thiết của các đối tượng chính sách. Hoạt động của NHCSXH tại địa phương cũng luôn chủ động, linh hoạt bám sát chỉ tiêu tín dụng và nhu cầu đối tượng vay vốn, góp phần đáng kể vào chương trình giảm nghèo và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Hằng cho biết: Xác định vốn vay là nguồn lực quan trọng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách nên đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp để huy động nguồn lực, nắm bắt nhu cầu, giải ngân kịp thời. Đến hết tháng 6/2019, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Ninh Bình đạt 2.324 tỷ đồng, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó nguồn vốn ủy thác tại địa phương đạt 82 tỷ đồng.

Để tạo thêm nguồn lực vốn vay cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, năm 2016, BCH Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 04 về giảm nghèo bền vững ở Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020, theo đó mỗi năm ngân sách các cấp trích bổ sung cho nguồn vốn vay tín dụng để phục vụ chương trình giảm nghèo: cấp tỉnh tối thiểu 5 tỷ đồng/năm, cấp huyện tối thiểu 500 triệu đồng/năm.

Cùng với việc tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể, duy trì hoạt động của hệ thống Điểm giao dịch xã, củng cố chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, NHCSXH tỉnh Ninh Bình cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư giúp người nghèo nhận thức được mục đích, nội dung, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; qua đó làm cho việc quản lý công tác tín dụng chính sách được sâu sát hơn và những gương người tốt, việc tốt, những mô hình sản xuất giỏi, hiệu quả cũng được phát hiện, nhân rộng.

Tiếp tục góp phần vào công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, NHCSXH tỉnh Ninh Bình tăng cường phối hợp với các cấp ngành thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thông qua việc tập trung huy động mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, trong đó có cả việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo hành lang rộng rãi tiếp cận vốn tín dụng Nhà nước cho người dân.

Về Ninh Bình hôm nay, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay không ngừng từ miền núi Nho Quan, Yên Mô về cố đô Hoa Lư ra vùng biển Kim Sơn, Yên Khánh. Nhờ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH mà nhiều người nghèo đã vượt qua khó khăn, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh Đông Dư - Trần Việt

Các tin bài khác