Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại Hưng Yên: Khẳng định hiệu quả tín dụng chính sách

22/07/2019
(VBSP News) Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), hoạt động tín dụng chính sách¬ tại Hưng Yên đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Các cán bộ của NHCSXH huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đang giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã Nhuế Dương

Các cán bộ của NHCSXH huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đang giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã Nhuế Dương

Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Thị Xuân cho biết, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã, phường đã quan tâm, hỗ trợ hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể (MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội) phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong thực hiện nhiệm vụ huy động nguồn lực tài chính và tổ chức chuyển tải kịp thời mọi nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh Hưng Yên đạt 2.724 tỷ đồng, tăng gần 80 tỷ đồng so với 31/3/2019, hoàn thành 99,6% kế hoạch cả năm, trong đó vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt gần 42 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương lên 69,4 tỷ đồng. Trong 05 năm (2014 - 2019), nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 41.530 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho gần 11.000 lao động; xây dựng trên 79.000 công trình cung cấp NS&VSMTNT; 834 căn nhà kiên cố cho hộ nghèo và 197 căn nhà ở xã hội cho những gia đình thu nhập thấp… Tổng dư nợ đạt 2.715 tỷ đồng, tăng 799 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40.

Nguồn vốn liên tục tăng qua các năm, chất lượng tín dụng được đảm bảo do có sự thường xuyên phối hợp đồng hành giữa NHCSXH với các ban ngành, đoàn thể. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh được kiểm soát ở mức thấp nhất (0,038%/tổng dư nợ). Toàn tỉnh hiện có 120/161 xã và 4/10 huyện không có nợ quá hạn phát sinh.

Chị Vương Thị Chính ở xã Nhuế Dương vay vốn ưu đãi trồng cây ăn quả

Chị Vương Thị Chính ở xã Nhuế Dương vay vốn ưu đãi trồng cây ăn quả

Với địa thế có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã sử dụng vốn vay NHCSXH để mở rộng diện tích sản xuất. Như gia đình chị Vương Thị Chính ở xã Nhuế Dương, huyện Khoái Châu, vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng bưởi, chuối và nhãn với diện tích trồng cây ăn quả vào khoảng 15 mẫu, mỗi năm, gia đình chị cung ứng từ 50 - 70 tấn sản phẩm đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia và cung ứng hàng nghìn cây giống cho nông dân địa phương, thu nhập bình quân lên tới 400 - 500 triệu đồng/năm.

Cùng với cây ăn quả, việc chuyên canh cây nghệ cũng đang giúp hàng nghìn hộ nông dân ở huyện Khoái Châu có thêm thu nhập. Theo Phòng NN&PTNT huyện Khoái Châu, với sự ưu đãi của thiên nhiên và sự đầu tư của NHCSXH đến nay tổng diện tích trồng nghệ của toàn huyện đã đạt gần 300ha, tập trung nhiều ở một số xã như Chí Tân, Nhuế Dương, Đại Tập, Đại Hưng, Thuần Hưng… Năm 2018, sản lượng nghệ toàn huyện đạt trên 9.000 tấn các loại. Với mức giá bán tại ruộng vào 35.000 đồng/kg thu nhập từ cây nghệ mang lại cho người dân Khoái Châu cao gấp 5 lần so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Đức Sơn - Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết: Thực tế công tác giảm nghèo bền vững và phát triển sản xuất nông nghiệp ở Khoái Châu những năm qua cho thấy, việc tập trung các nguồn lực, coi nguồn vốn chính sách làm nòng cốt để thực hiện chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa đang trở thành “chìa khóa” quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, góp phần cho các thôn xã vững vàng chuẩn bị “về đích” nông thôn mới vào cuối năm 2019. Từ tác dụng lớn lao đó nên các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện rất quan tâm vào cuộc sâu sát, quyết liệt góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động, đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Chỉ thị số 40, UBND huyện đã bố trí và chuyển từ 500 triệu đồng đền 1 tỷ đồng/năm sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

“Để góp phần đắc lực thực hiện các chương trình trọng điểm như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, NHCSXH tỉnh Hưng Yên tiếp tục đưa Chỉ thị số 40 vào cuộc sống; tập trung nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư các dự án, các mô hình sản xuất kinh doanh nhằm đạt mục đích giúp dân xua hết nghèo khó, làm giàu ngay trên miền quê hưng thịnh, địa linh nhân kiệt giữa châu thổ sông Hồng”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Thị Xuân chia sẻ.

Bài và ảnh Phan Việt Dư

Các tin bài khác