Cà Mau nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động, tín dụng
Điểm đến của Đoàn công tác là huyện Cái Nước - huyện có vị trí trung tâm kết nối thành phố Cà Mau với các huyện phía Nam, thuộc vùng kinh tế nội địa của tỉnh. Là huyện duy nhất không giáp biển, đặc biệt phía Bắc huyện thuộc vùng đất phù sa không được bồi, song giống như các xã trong khu vực này, Thạnh Phú lại là vùng đất tốt, phát triển sản xuất lúa 2 vụ, lúa cao sản, trồng dừa, nuôi cá ao đìa nước ngọt, nước lợ hay sản xuất 1 vụ lúa luân canh. Đặc biệt với việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng hơn một năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã trở thành động lực quan trọng, góp phần giảm nghèo cho xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước nói riêng và rộng hơn là tỉnh Cà Mau nói chung.
Nâng cao chất lượng trong từng mắt xích
Nắm chặt tay Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng, ông Nguyễn Tứ Lang là tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú xúc động nhắc lại liên tục hai từ “cảm ơn” từ sự hỗ trợ kịp thời của NHCSXH đã giúp gia đình ông thoát khỏi khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài vừa qua, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn…
“Lúc đó gia đình tôi có mong muốn thực hiện phương án nuôi trồng thủy sản hỗn hợp (ươm tôm giống và nuôi tôm kết hợp cua quảng canh truyền thống), để có công ăn việc làm và thu nhập, nhưng khó nhất vẫn là nguồn vốn đầu tư, nên tôi đã đăng ký với Trưởng ấp, Tổ tiết kiệm và vay vốn tại nơi sinh sống để được xin vay vốn ưu đãi. Từ đó tôi được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay chương trình giải quyết việc làm với số tiền vay 50 triệu đồng”, ông Lang kể. Bên cạnh sự hỗ trợ vốn của NHCSXH, ông còn được cán bộ kỹ thuật của xã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi.
“Vì vậy, sau khi nhận tiền vay, tôi dùng toàn bộ số tiền để mua con giống, đầu tư cải tạo vuông nuôi, xây dựng bể ươm, chi phí thức ăn… đúng mục đích xin vay vốn ban đầu. Đến nay gia đình đã xuất bán được 50.000 con tôm giống, thu nhập hàng tháng khoảng 6 triệu đồng, mang lại thu nhập cho gia đình, từ đó bắt đầu có dư dả, có cái để tích góp, dần dần cải thiện đời sống, sửa chữa lại nhà ở khang trang, cuộc sống gia đình ngày càng được tốt hơn, khấm khá hơn trước nhiều”, ông Lang phấn khởi kể.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình thực hiện ủy nhiệm đưa vốn đến từng tổ viên, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Sở Tại Nguyễn Văn Thống cho hay, bên cạnh việc bình xét đủ điều kiện để tổ viên được vay vốn, còn phải giúp họ hiểu để tận dụng hiệu quả nguồn vốn này. Nhất là với một địa bàn ấp rộng, trải dài khoảng 6km, giao thông đi lại khó khăn để có thể đảm bảo thực hiện đúng và hiệu quả công tác ủy thác vốn vay từ NHCSXH. Ông Thống đã phải tốn nhiều thời gian, công sức, cả sự nỗ lực và kiên trì để tuyên truyền, bình xét cho vay đến việc đôn đốc, giám sát các tổ viên trong tổ sử dụng vốn vay đúng mục đích; trả nợ, trả lãi đúng hạn; chủ động đôn đốc, tham mưu và phối hợp với Trưởng ấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ban giảm nghèo và UBND xã xử lý các trường hợp nợ quá hạn, lãi tồn, nợ bị chiếm dụng. Kết quả là đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Sở Tại đạt dư nợ 954 triệu đồng và là tổ không có nợ quá hạn.
Nhìn rộng ra xã Thạnh Phú, chỉ tính từ 31/7/2019 đến 31/10/2020, doanh số cho vay tín dụng chính sách xã hội đạt 11,6 tỷ đồng. Đến 31/10/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 30 tỷ đồng, với 1.702 hộ vay, tăng hơn 2,2 tỷ đồng so với 31/7/2019. Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,59% dư nợ, giảm 889 triệu đồng so với 31/7/2019. Toàn xã không còn tổ yếu, giảm 14 tổ yếu so với thời điểm lập phương án và tăng 22 tổ tốt. Trong vai trò quản lý Nhà nước, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Lâm Việt Triều khẳng định kết quả khả quan này là thành quả hơn một năm thực hiện phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, có sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện và NHCSXH nên nguồn vốn chính sách đã được phân bổ đều qua các năm cho xã. Ở cấp xã, Đảng ủy, HĐND và UBND xã luôn quan tâm, chỉ đạo kịp thời trong việc phân bổ chỉ tiêu về các ấp. Việc bình xét cho vay đúng đối tượng, đảm bảo nhu cầu của địa phương, việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn được thực hiện thường xuyên.
Đặc biệt, trong vai trò cho vay vốn chính sách, NHCSXH tỉnh Cà Mau đã trở thành cầu nối cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện HĐQT cho đến việc tham mưu cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó xác định rõ nhiệm vụ lãnh, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch và hoạt động thường xuyên của đơn vị, địa phương trong việc tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng của Trung ương; quan tâm chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ngay từ đầu năm để bổ sung. Đến việc phối hợp chặt chẽ để các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp tích cực vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện hoạt động nhận ủy thác. Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, đặc biệt là các tổ trung bình, yếu kém.
Cùng với đó, là nâng cao năng lực triển khai hoạt động trong chi nhánh với việc gắn củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng với xếp loại đánh giá, thi đua khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân. Hàng tháng, hàng quý đánh giá từng chỉ tiêu chưa đạt theo định hướng, phân tích rõ nguyên nhân còn tồn tại để tập trung tháo gỡ, tìm giải pháp thực hiện có hiệu quả.
Tiếp tục xây dựng chương trình củng cố cho giai đoạn tới
Kết quả là đến 31/10/2020, tổng nguồn vốn toàn tỉnh Cà Mau là 2.763 tỷ đồng, tăng 321,5 tỷ đồng (+13,17%) so với 31/7/2019; tổng dư nợ đạt gần 2.757 tỷ đồng, tăng 323 tỷ đồng (+13,3%) so 31/7/2019, với 121.624 khách hàng còn dư nợ. Đặc biệt, sau một năm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đạt 5/5 chỉ tiêu so với định hướng, chất lượng hoạt động tín dụng được xếp loại tốt.
Ghi nhận những kết quả đạt được của Cà Mau trong việc thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng cùng các kiến nghị của địa phương trong việc bổ sung nguồn vốn cho vay chương trình tín dụng NS&VSMT, giải quyết việc làm giúp giải quyết bớt những khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và dịch Covid-19, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng nhấn mạnh lại những khó khăn của tỉnh từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, lũ lụt nên ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận hộ vay, gây khó khăn trong công tác quản lý và xử lý nợ. Song, càng đứng trước những khó khăn ấy, Tổng Giám đốc kỳ vọng chính quyền địa phương càng phải vào cuộc mạnh mẽ, chung tay cùng NHCSXH thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, làm điểm tựa vượt qua khó khăn phát triển kinh tế bền vững.
Về phía NHCSXH tỉnh Cà Mau, Tổng Giám đốc yêu cầu chi nhánh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban điều hành, Ban chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng; tích cực, chủ động tham mưu triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40; đặc biệt là tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển nguồn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Chi nhánh cần quan tâm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tuyên truyền chính sách cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động; chủ động tìm kiếm khách hàng, phân công cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng nhằm giải ngân đảm bảo nhanh chóng kịp thời. Đồng thời tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị trực thuộc tăng cường, bám sát từng chỉ tiêu kế hoạch đã xây dựng tại các phương án, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, góp phần sử dụng hiệu quả chính sách tín dụng nhân văn mà Đảng và Chính phủ đã dành riêng cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác.
* Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cùng Đoàn công tác đã đến thăm hỏi và tặng quà gia đình có công với Cách mạng tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.
Hữu Trung (thực hiện)
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Sơn La đạt nhiều điểm nhấn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
- » Giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Yên Châu
- » NHCSXH hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ
- » Hội nghị trực tuyến triển khai nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động
- » Bộ Chính trị phân công Thống đốc NHNN làm Chánh Văn phòng Trung ương
- » Bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc NHCSXH
- » NHCSXH chúc mừng 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam
- » Diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020)
- » Mười tám năm hành trình vì hạnh phúc người nghèo