Giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Yên Châu

29/10/2020
(VBSP News) Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia do đồng chí Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH làm Trưởng đoàn đã làm việc tại huyện Yên Châu (Sơn La) giám sát kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm 2020 và khảo sát kết quả thực hiện chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Sơn La cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành tại địa phương.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng kiểm tra các thông tin tín dụng chính sách được NHCSXH tỉnh Sơn La niêm yết công khai tại Điểm giao dịch xã Tú Nang, huyện Yên Châu

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng kiểm tra các thông tin tín dụng chính sách được NHCSXH tỉnh Sơn La niêm yết công khai tại Điểm giao dịch xã Tú Nang, huyện Yên Châu

Là tỉnh miền núi biên giới với 4/12 huyện nghèo, 112/204 xã và 1.708/3.230 bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, dân số trên 1,2 triệu người với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, Sơn La vẫn còn chưa hết khó khăn. Song, so với cách đây chỉ 5 năm về trước đã là một bước tiến vượt bậc khi ngày ấy nhiều gia đình cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 31,91%, hộ cận nghèo là 10,92%. Tuy nhiên, chỉ qua 4 năm, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 21,62% (giảm 10,29%), hộ cận nghèo là 10,93% (tăng 0,01%). Với vị trí, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, Sơn La thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện. Cùng nhiều giải pháp khác, NHCSXH được coi như một công cụ quan trọng để thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo của cả nước nói chung và Sơn La nói riêng. Theo số liệu từ NHCSXH, đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Sơn La đạt 4.652 tỷ đồng, với hơn 131 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,07% tổng dư nợ. Nguồn tín dụng chính sách này đã góp phần giúp hơn 96 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo (tính từ năm 2003 đến 2020. 9 tháng năm 2020 là 4.215 hộ thoát nghèo); thu hút, tạo việc làm mới cho gần 35 nghìn lao động, góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,62% (cuối năm 2019) xuống còn 18.42% (dự kiến cuối năm 2020).

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại buổi làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Yên Châu và xã Tú Nang về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại buổi làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Yên Châu và xã Tú Nang về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020

Tại huyện Yên Châu (Sơn La), NHCSXH huyện đã thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu đề ra. Tính đến nay, tổng nguồn vốn đạt 364 tỷ đồng, tăng 16 tỷ đồng so với năm 2019. Tổng dư nợ cho vay 12 chương trình tín dụng đạt 347 tỷ đồng, với 9.461 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay.

Từ nguồn vốn ưu đãi, bà con tại các xã trên địa bàn huyện đã sử dụng hiệu quả, đầu tư đúng hướng vào chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể huyện Yên Châu, các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp người dân thay đổi nhận thức, giúp hộ nghèo tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống.

Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của tín dụng chính sách trên địa bàn giúp người dân giảm nghèo bền vững, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng và Đoàn công tác đã về thăm xã Tú Nang - một xã còn nhiều khó khăn của huyện Yên Châu.

Đến thăm gia đình anh Phan Văn Hưng ở bản Trung Tâm, xã Tú Nang nhiều năm liên tục bị cái nghèo đeo bám. Nhờ nguồn lực hỗ trợ quan trọng từ NHCSXH, đến nay, nhà anh đã thoát khỏi cảnh nghèo “như trong mơ”. Anh Hưng cho biết, trước đây, mặc dù vợ chồng anh có sức khỏe, nhưng không có vốn để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Sau khi mạnh dạn đề nghị vay vốn tín dụng ưu đãi vào năm 2014, anh đã được Tổ tiết kiệm và vay vốn họp bình xét cho vay 50 triệu đồng để phát triển trồng cây ăn quả. Với lưng vốn ban đầu, gia đình anh đã đầu tư trồng xoài, nhãn. Tiếp đó, để nâng cao điều kiện sống và bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn, năm 2016, gia đình anh vay thêm 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, gia đình anh đã có 500 gốc xoài, 600 gốc nhãn cho thu nhập mỗi năm từ 150 triệu đồng, và gia đình anh đã thoát nghèo.

Đoàn đến thăm, động viên gia đình anh Phan Văn Hưng ở bản Trung Tâm, xã Tú Nang, huyện Yên Châu sử dụng và phát huy hiệu quả vốn vay tín dụng chính sách

Đoàn đến thăm, động viên gia đình anh Phan Văn Hưng ở bản Trung Tâm, xã Tú Nang, huyện Yên Châu sử dụng và phát huy hiệu quả vốn vay tín dụng chính sách

Từ những hộ khó khăn, như gia đình chị Phan Thị Hải ở bản Trung Tâm, xã Tú Nang, cách đây 5 năm được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng về đầu tư mua trâu và làm chuồng trại, sau 3 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gia đình chị đã bán trâu. Đến năm 2016 gia đình tiếp tục có nhu cầu vay vốn được vay số tiền 50 triệu đồng để đầu tưu trồng nhãn, xoài. Đến nay gia đình chị đã có 2ha xoài, nhãn cho thu nhập mỗi năm trung bình từ 250 triệu đồng trở lên.

Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Ngà và anh Lê Văn Hà, năm 2016 gia đình được vay 50 triệu đồng chương trình SXKD để đầu tư trồng 1ha gồm xoài và nhãn. Đến nay đã cho thu hoạch được 3 năm. Năm đầu tiên thu hoạch được 10 tấn, hiện nay thu nhập khoảng 320 triệu đồng/năm bao gồm cả trồng xoài, nhãn và chăn nuôi gà.

Thăm hỏi, động viên gia đình hộ vay vốn Nguyễn Thị Ngà ở bản Trung Tâm, xã Tú Nang, huyện Yên Châu

Thăm hỏi, động viên gia đình hộ vay vốn Nguyễn Thị Ngà ở bản Trung Tâm, xã Tú Nang, huyện Yên Châu

Chủ tịch UBND xã Tú Nang Vì Hưng Hiệu cho biết, là xã thuần nông, có tổng diện tích tự nhiên 9.699ha, có 15 bản, 2.032  hộ, 8.535  nhân khẩu. Năm 2020, xã có tổng số 711 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,09%; hộ cận nghèo 166 hộ, chiếm tỷ lệ 8,19%; hộ thoát nghèo là 271 hộ, chiếm tỷ lệ 13,3%. Về dư nợ tín dụng chính sách hiện xã có 1.331 hộ vay vốn với số tiền 57.804 triệu đồng ở 38 Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, làng. Nhiều năm qua bà con đã vay vốn áp dụng KHKT vào sản xuất, định hướng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ kiến thức là yếu tố quan trọng giúp bà con sử dụng đúng mục đích, từng bước làm chủ cuộc sống, trả nợ, lãi đúng thời hạn.

Đánh giá về hoạt động giao dịch tại xã của NHCSXH, Chủ tịch UBND xã Tú Nang Vì Hưng Hiệu cho biết thêm: “Các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ SXKD và quản lý vốn. Có những hộ đã vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ hàng trăm triệu đồng. Đồng vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nạn tín dụng đen tại các vùng dân tộc miền núi và nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Tại những nơi đoàn đến thăm, Tổng Giám đốc đã động viên bà con vay vốn sử dụng hiệu quả, đúng mục đích để thoát nghèo bền vững, vươn lên phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống mới.

Cũng trong dịp này, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng và Đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng và các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tú Nang, huyện Yên Châu.

6X0A6451a

Thăm hỏi và tặng quà cho gia đình bà Vì Thị Đứa và Vì Thị Thiên là 02 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở bản Tà Lằng Thấp, xã Tú Nang, huyện Yên Châu

Thăm hỏi và tặng quà cho gia đình bà Vì Thị Đứa và Vì Thị Thiên là 02 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở bản Tà Lằng Thấp, xã Tú Nang, huyện Yên Châu

PV

Các tin bài khác