Ngân hàng Chính sách nước CHDCND Lào thí điểm thành công phương thức cho vay ủy thác của NHCSXH Việt Nam
Huyện Sangthong cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 60km, có 35 bản với tổng dân số hơn 32.000 người. Lĩnh vực hoạt động kinh tế chính là nông nghiệp và chăn nuôi, chiếm 26%. Phòng giao dịch huyện Sangthong của NBB được thành lập năm 2007, hiện tại có 11 cán bộ.
Từ năm 2007 đến giữa năm 2019, công tác quản lý tín dụng của đơn vị có nhiều hạn chế, nợ xấu của các khách hàng cá nhân và tổ chức còn cao. Từ nửa cuối năm 2019, Phòng giao dịch bắt đầu triển khai thí điểm các kinh nghiệm học được từ NHCSXH Việt Nam theo hướng sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh địa phương; trong đó áp dụng cho vay thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội và quỹ bản tại 14 bản tương tự như mô hình cho vay ủy thác một số công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội tại NHCSXH Việt Nam. Cách làm này đã giúp ngân hàng nâng cao công tác quản lý tín dụng. Các tổ chức chính trị - xã hội đã trở thành cánh tay nối dài của ngân hàng trong việc giám sát khách hàng vay, sử dụng vốn vay và đôn đốc trả nợ, trả lãi. Đến năm 2021, mô hình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đã được mở rộng thêm đến 8 bản, đến cuối năm 2021 sẽ nhân rộng lên tổng số 22 bản và kế hoạch đến năm 2024 là 35 bản trên toàn huyện Sangthong.
Sau 1 năm thí điểm mô hình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 8 tỷ Kíp. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ thu nợ đã đạt 62% kế hoạch năm 2021, thu - chi của đơn vị cũng đạt hiệu quả tích cực so với các năm trước.
Với những thành tựu nổi bật trên, Tổng Giám đốc Vouthi Leanvilayvong đã ký văn bản số 638/NBB ngày 13/5/2021 trao Bằng khen cho Phòng giao dịch huyện Sangthong vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và các quỹ. Phòng giao dịch trở thành Đơn vị đầu tiên thí điểm thành công mô hình cho vay mới áp dụng kinh nghiệm từ NHCSXH.
Trên quy mô toàn quốc, kinh nghiệm cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội đã được NBB thực hiện thí điểm tại tất cả các chi nhánh, bước đầu thực hiện tại 912 nhóm vay vốn ở 117 bản, 48 huyện với tổng số 5.552 hộ vay. Tổng dư nợ cho vay thí điểm qua các tổ chức chính trị - xã hội là 91,24 tỷ kíp, tỷ lệ thu lãi đạt 99,5%.
Minh Hà - Panyasavay Ratthasena
Các tin bài khác
- » Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do Covid-19
- » Hiệu quả nguồn vốn cho vay ủy thác qua tổ chức Đoàn
- » Điểm tựa vững chắc cho người nghèo trên đảo Phú Quý
- » Huyện đảo Lý Sơn phát huy hiệu quả tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách giúp người dân trên đảo Phú Quốc làm giàu
- » Khi đồng vốn chính sách sinh lợi
- » Hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm ở Cam Lâm
- » Vùng đồng bào DTTS “thay da đổi thịt” nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Đà Nẵng: Lao động du lịch có thể vay tối đa 100 triệu đồng giải quyết khó khăn
- » Có vốn chính sách, người dân huyện Kỳ Anh mạnh dạn phát triển kinh tế