Đồng hành cùng bà con thoát nghèo
Hiện nay, trong tổng số các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đang triển khai, hầu hết các chương trình đều có đối tượng thụ hưởng là hộ đồng bào DTTS. Đặc biệt, việc huy động và tranh thủ nguồn vốn Trung ương, ngân sách địa phương được NHCSXH tỉnh tập trung nhằm mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; trong đó, ưu tiên nguồn vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS.
Điển hình tại huyện Mỹ Tú, tháng 9/2020, NHCSXH huyện đã tích cực huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương nhằm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể, nguồn vốn địa phương đã chuyển 500 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch giao năm 2020; vốn huy động đạt 25.959 triệu đồng, tăng 4.329 triệu đồng (tăng 20,01%) so với năm 2019. Trong đó, số dư tiền gửi tiết kiệm dân cư đạt 10.054 triệu đồng, tăng 1.887 triệu đồng so với năm 2019; số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 15.905 triệu đồng, tăng 2.442 triệu đồng so với năm 2019.
Vay vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH để phát triển kinh tế không còn là điều xa lạ ở ấp Tà Ân 2, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú. Nhờ nguồn vốn vay này, nhiều hộ gia đình ở đây đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chúng tôi có đến thăm hộ gia đình bà Huỳnh Thị Nương, dân tộc Khmer. Trước năm 2005, gia đình bà Nương vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã. Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, bà đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của NHCSXH để phát triển kinh tế gia đình với số tiền là 10 triệu đồng trong kỳ hạn 5 năm. Với số tiền này, bà Nương đã đầu tư mua bò giống, ban đầu là 01 con và theo năm tháng bà đã nhân số lượng đàn bò lên hàng chục con. Sau khi trả hết 10 triệu đồng cho NHCSXH huyện Mỹ Tú, năm 2016 bà Nương vay thêm 50 triệu để cải tạo chuồng nuôi, mua thêm bò, san đất trồng cỏ; lãi thu được bà đầu tư làm vựa rơm. Hiện nay, gia đình bà Nương đã có một đàn bò sữa, với số lượng 26 con, bình quân mỗi ngày gia đình bà Nương thu hoạch được 65 - 70 kg sữa bò để bán với giá 11.500 đồng/kg.
Khi số lượng bò tăng, đồng nghĩa bà Nương ý thức được vấn đề vệ sinh môi trường phải được giữ gìn. Năm 2019, bà Nương tiếp tục vay thêm 20 triêu đồng để xây hầm Biogas vừa giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường, vừa có gas để đun nấu. Với thu nhập bình quân của gia đình gần 12 triệu đồng/tháng; gia đình bà trở thành một trong những hộ khá giả của xã. Hiện, bà Nương còn tích cực tham gia hội phụ nữ thôn đi tuyên truyền vận động các hộ gia đình còn khó khăn mạnh dạn vay vốn của NHCSXH để phát triển kinh tế, giảm nghèo…
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã ổn định cuộc sống, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào trên địa bàn.
Lan Anh
Các tin bài khác
- » Doanh nghiệp đầu tiên được vay gói hỗ trợ Covid-19 tại Quảng Ngãi
- » Tôn vinh phụ nữ tiêu biểu ngành Ngân hàng giai đoạn 2015-2020
- » PHONG TRÀO PHỤ NỮ HAI GIỎI: Chuyện về những người thắp lửa và giữ lửa
- » Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII
- » Hội tụ nội lực thực thi tín dụng chính sách xã hội
- » 75 doanh nghiệp đã được vay vốn trả lương lao động ngừng việc
- » Hội nghị tập huấn trực tuyến về nghiên cứu khoa học
- » Giảm nghèo bền vững ở Tuyên Quang (Bài 2: Vốn chính sách - “bà đỡ” của các mô hình kinh tế)
- » Giảm nghèo bền vững ở Tuyên Quang (Bài 1: Giúp đồng bào thay đổi tập quán sản xuất)
- » Trồng ớt chỉ thiên, trái ra tua tủa, nông dân Bình Định khá giả trả được vốn vay ngân hàng