Giảm nghèo bền vững ở Tuyên Quang (Bài 2: Vốn chính sách - “bà đỡ” của các mô hình kinh tế)

26/11/2020
(VBSP News) Thiếu vốn, thiếu đất, thiếu tích luỹ khoa học trong sản xuất và phát triển kinh tế nông nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang đã khó lại thêm khó. Góp phần khắc phục tình trạng này, nguồn vốn chính sách do NHCSXH tỉnh triển khai đã được giải ngân kịp thời, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và tạo cơ hội cho sự ra đời của nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Anh-600--4

Thu hoạch Chè Shan Tuyết Hồng Thái ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang

Dấu ấn vốn tín dụng trong “OCOP”
Theo kết quả đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang, địa phương này có 14 sản phẩm đủ số điểm đề nghị công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm có số điểm đạt tiêu chuẩn 4 sao gồm chè Shan tuyết Hồng Thái loại 1 tôm 1 lá và cam sành Hàm Yên. Có 12 sản phẩm có số điểm đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm chè Shan Khau Mút, homestay Nặm Đíp, homestay Khuôn Hà, cá kho Mạnh Mẽ, chè Pà Thẻn xã Linh Phú, rượu nếp cất 2 lần ông Chấp, chè Shan tuyết Hồng Thái loại 1 tôm 2 lá, chè Shan tuyết Việt Dũng Sinh Long, rượu ngô Na Hang Trung Phong, bún khô Đà Vị, bưởi Đức Ninh và chè Tân Thái Dương 168. Đáng chú ý, trong số 14 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nêu trên, có nhiều sản phẩm mang đậm dấu ấn của nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Cam sành ở Phù Lưu, Hàm Yên là một ví dụ! Từ chỗ cây cam ở Phù Lưu chỉ được trồng tự phát và tùy hứng ở vườn nhà, nhờ chính sách cho vay, hỗ trợ của NHCSXH và các tổ chức tín dụng khác mà người dân nghèo nơi đây đã có vốn sản xuất; nhờ kết nối với các nhà khoa học mà người dân đã biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc phát triển vùng cam thành thương hiệu hàng hóa… Từ chỗ chỉ có trên 1.000 gốc cam, bây giờ Phù Lưu đã có gần 7.200ha với trên 5.600 hộ trồng cam. Năng suất bình quân hàng năm đạt 170 tạ/ha, sản lượng hàng năm đạt từ 70.000 - 100.000 tấn, giá trị đạt trên 700 tỷ đồng. Những phương pháp chăm sóc lạc hậu trước đây đã nhường chỗ cho quy trình trồng cam bảo đảm thương hiệu sạch. Nhiều hộ dân đổi đời từ cây cam, với thu nhập từ 1 - 2 tỷ đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của Phù Lưu trước đây gần 70%, giờ chỉ còn 15,08%.
Không chỉ góp phần làm nên thương hiệu cam sành Hàm Yên, tín dụng chính sách cũng là một trong những công cụ giúp người dân xã Hồng Thái, huyện Na Hang trồng, phát triển thành công chè Shan tuyết, đồng thời tận dụng lợi thế địa hình, khí hậu để chăn nuôi gia súc. Toàn xã có 312 hộ gia đình chủ yếu là người Dao và Mông; trong đó, 221 hộ vay vốn NHCSXH, với tổng dư nợ đạt hơn 10 tỷ đồng để đầu tư chăn nuôi và trồng rau trái vụ. Hay ở Lâm Bình, thương hiệu Homestay Nặm Đíp - sản phẩm OCOP 3 sao cũng có phần đóng góp không nhỏ của nguồn vốn tín dụng chính sách.
Bền vững là mục tiêu tiếp theo
Có thể thấy, tín dụng chính sách đã ghi đậm dấu ấn của mình trên từng bước đường giảm nghèo của Tuyên Quang. Trong giai đoạn tiếp theo, Tuyên Quang xác định, vừa quyết liệt giảm nghèo ở các vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số vừa bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững ở các vùng đã thoát nghèo.
Thực tế, bên cạnh những kết quả ấn tượng nêu trên, việc thực hiện công tác giảm nghèo ở Tuyên Quang hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Kế hoạch thực hiện giảm nghèo của một số địa phương còn chung chung; những giải pháp đối với từng đối tượng cụ thể (nghèo thu nhập, nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản…) chưa phát huy được hiệu quả; chưa gắn mô hình phát triển sản xuất lồng ghép các nguồn vốn vào kế hoạch giảm nghèo, giải pháp khuyến khích động viên các hộ thoát nghèo. Thêm vào đó, tâm lý ỷ lại, trông chờ hỗ trợ của một bộ phận hộ nghèo vẫn còn tồn tại; việc thay đổi thói quen sản xuất truyền thống của người dân còn chậm…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, trong năm 2020 và các năm tiếp theo, Tuyên Quang sẽ tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, coi giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung huy động nguồn lực, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản; thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin. Phát huy khai thác hết tiềm năng, lợi thế, không để đất trống trong sản xuất, chăn nuôi để tăng thu nhập, giảm nghèo.
Đáng chú ý, tỉnh sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là các Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, các Tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, duy trì tăng trưởng nguồn vốn tín dụng, bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Gắn việc cung cấp tín dụng ưu đãi với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo; chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề ở các xã, vùng tái định cư, vùng ít đất sản xuất, vùng phải chuyển đổi nghề nghiệp ở các làng nghề, các xã xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng về công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số sống tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nhằm khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo.

“Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từ 23,33% năm 2016 xuống còn 11,8% năm 2019; tạo việc làm ổn định cho 6.261 lao động là các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; giúp 17.584 lượt hộ gia đình ở vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; hơn 1.300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học…”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Phan Vỹ cho biết.

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác