Tín dụng chính sách xã hội bứt phá từ tâm thế mới

05/12/2019
(VBSP News) Tín dụng chính sách giờ không chỉ là câu chuyện riêng của NHCSXH, mà đã trở thành vấn đề chung được cả hệ thống chính trị của tỉnh Vĩnh Phúc chung tay triển khai, nhằm để không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển mạnh mẽ của tỉnh.
Đồng vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 100% xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Đồng vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 100% xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Việc triển khai sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc, đã tạo nên những đột phá mới trong hoạt động tín dụng chính sách, từ tư duy đến hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội đối với công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Điểm ấn tượng đầu tiên trong triển khai Chỉ thị số 40 của tỉnh Vĩnh Phúc đó chính là quan điểm và định hướng từ Thông tư số 32-TT/TU ngày 26/6/2015 của Tỉnh ủy, đưa tín dụng chính sách là một nhiệm vụ trong chương trình kế hoạch của cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị. Bước chuyển quan trọng trong nhận thức này đã phát huy sức mạnh của từng thành tố trong hệ thống chính trị, tạo thành hiệu ứng dây chuyền mang tính liên kết và cộng hưởng trong các hoạt động khơi thông cũng như tăng lực cho việc thực thi tín dụng chính sách của tỉnh.

Sau khi thống nhất với các Sở, ngành, ngày 01/3/2013, Sở LĐTB&XH trình UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 645/QĐ-CT thành lập Hội đồng quản lý Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 446/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng quản lý nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của tỉnh ủy thác qua NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc.

Hàng năm, Sở LĐTB&XH phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, NHCSXH tỉnh trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh cấp bổ sung vào quỹ trên 30 tỷ đồng/năm để ủy thác qua NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, tổng nguồn vốn UBND tỉnh ủy thác qua NHCSXH đạt trên 288 tỷ đồng; trong đó cho vay giải quyết việc làm tại chỗ là hơn 214 tỷ đồng, cho vay xuất khẩu lao động là hơn 74 tỷ đồng.

Từ năm 2015 đến hết ngày 30/6/2019, toàn tỉnh đã thực hiện cho vay tự tạo việc làm tại chỗ cho 7.980 hộ với số tiền 276,9 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 8.525 lao động; cho vay xuất khẩu lao động 1.131 hộ với số tiền trên 71,6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.222 lao động.

MTTQ tỉnh đã chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên, NHCSXH, các tổ vay vốn tổ chức cho các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, học sinh nghèo đi học, đào tạo nghề… Đặc biệt, MTTQ tỉnh đã chủ động phối hợp với NHCSXH, Sở LĐ-TB&XH, Sở Xây dựng tổ chức thẩm định, rà soát các hộ nghèo khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 743/QĐ-UBND, ngày 7/3/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh với 246 hộ nghèo đã vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền 6,1 tỷ đồng.

“Tín dụng chính sách thực sự trở thành “chiếc phao cứu sinh” đối với nhiều hộ gia đình, thực sự là một điểm sáng trong chính sách giảm nghèo. Việc triển khai chính sách này là mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các hội, đoàn thể và người nghèo, là một giải pháp hữu hiệu giảm nghèo hiệu quả, bền vững”, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đúc kết. Để giúp các hộ nghèo sử dụng đồng vốn có hiệu quả, hàng năm, hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho trên 10 nghìn lượt hộ nông dân về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật sản xuất tạo điều kiện để hội viên sử dụng vốn vay hiệu quả nhất. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 29 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó trên 10 nghìn hộ đã thoát khỏi ngưỡng nghèo, cận nghèo.

Lựa chọn từng nguồn vốn tín dụng phù hợp, các tổ chức Hội dần hướng hội viên bước sâu vào chuỗi kinh tế hàng hóa với những giá trị gia tăng cao hơn. Như Hội CCB tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội trực thuộc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tập trung vào mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hộ gia đình (vườn, ao, chuồng, trồng rừng) tùy theo thế mạnh, đặc điểm ở từng vùng, từng địa phương. Chỉ tính riêng nguồn vốn giải quyết việc làm trên 5 tỷ đồng nhận ủy thác từ NHCSXH, Hội CCB đã tư vấn đầu tư cho 102 dự án, mô hình kinh tế, phát triển chăn nuôi, đều có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho trên 1.600 lao động.

Để tập hợp các mô hình kinh tế liên kết trong sản xuất kinh doanh, Hội CCB tỉnh đã chỉ đạo xây dựng thành lập các Câu lạc bộ CCB - cựu quân nhân làm kinh tế ở các cấp Hội (tỉnh, huyện, xã), đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập được 93 Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi, với gần 2.000 thành viên tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt trong phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, nhằm mục đích gắn kết, chia sẻ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau về ứng dụng KHKT sản xuất, hỗ trợ nguồn vốn, đầu tư sản xuất, tìm kiếm thị trường… giúp hội viên nghèo về cây, con giống, vốn, cách thức trồng trọt, chăn nuôi.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều thành viên Hội CCB phát triển và duy trì những làng nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, như chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh, Bình Dương; rèn ở Lý Nhân; mộc ở Thị trấn Thanh Lãng, Thị trấn Yên Lạc, An Tường; kinh doanh phế liệu ở Đồng Văn, Tề Lỗ, Yên Đồng; trồng, kinh doanh cây cảnh ở Triệu Đề. Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đưa số hội viên có mức thu nhập khá, giàu đạt trên 68% với 44.747 hộ tăng 5%; số hộ nghèo chỉ còn 0,86%; số hộ cận nghèo còn 1,14%…

Những làn gió mới như thế đã góp phần tạo nên sức sống mới cho tín dụng chính sách toàn tỉnh Vĩnh Phúc sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40. Tính đến 30/6/2019, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách, tăng 5 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40, với tổng dư nợ đạt 2.511 tỷ đồng, cho 80.543 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được thụ hưởng vốn tín dụng này.

Tăng trưởng tín dụng của NHCSXH trong 5 năm qua đạt 696,027 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 7,67% đã góp phần giúp 119.568 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 25 nghìn hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 3,63% cuối năm 2014 xuống còn 2,11% cuối năm 2018 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; 104/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bộ mặt nông thôn không ngừng được cải thiện.

Việc vay vốn tín dụng chính sách với thủ tục đơn giản, không phải thế chấp, lãi suất ưu đãi, nhận tiền vay, trả nợ trả lãi tại điểm giao dịch xã đã giúp các đối tượng thụ hưởng tiếp cận đầy đủ các chương trình tín dụng chính sách xã hội; trực tiếp hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giảm chi phí cho các đối tượng vay vốn, góp phần làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, giúp các đối tượng thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên thoát nghèo.

Nhìn về tương lai, việc thực hiện Chỉ thị số 40 của Vĩnh Phúc hứa hẹn những bứt phá mới trong việc thực thi tín dụng chính sách xã hội. Điều này thể hiện từ quan điểm mới trong triển khai Chỉ thị số 40 của tỉnh với yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương phải nhận thức và xác định tín dụng chính sách xã hội là trụ cột và là một giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. MTTQ và các tổ chức Hội phát huy trách nhiệm và phối hợp tốt với NHCSXH tuyên truyền hướng nghiệp… để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn.

Cùng với việc chỉ đạo các Sở, ngành và NHCSXH tích cực huy động các nguồn lực từ trung ương và địa phương, các tổ chức và doanh nghiệp… tỉnh cũng sẽ dành một nguồn vốn thích đáng từ 100 tỷ - 150 tỷ đồng/năm ủy thác cho vay qua NHCSXH để tiếp tục góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động tín dụng đen.

Bài và ảnh Minh Nguyễn

Các tin bài khác