Vay vốn ưu đãi trồng chè sạch, thu nhập tăng cao
Liên kết trồng chè sạch
Anh Nguyễn Mạnh Thắng là người đầu tiên ở thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương xây dựng thành công mô hình trồng chè VietGAP. Hiện anh Thắng là Giám đốc HTX chè Ngân Sơn Trung Long. Anh cho biết: Người dân thôn Trung Long có truyền thống trồng chè nhiều đời. Tuy nhiên, trước đây, hầu hết người dân ở Trung Long trồng chè theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, chẳng theo một quy trình hay tiêu chuẩn nào nên chất lượng chè không ổn định.
Năm 2013, anh Thắng thành lập Tổ hợp tác với số thành viên ban đầu là 8 người và có khoảng 40 gia đình trồng chè liên kết cùng nhau sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Để phát triển sản xuất, anh Thắng và các hội viên mạnh dạn vay vốn ưu đãi chương trình hộ nghèo và chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện Sơn Dương.
“Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc và chế biến chè, sản phẩm chè xanh của HTX có giá ban đầu 80.000 đồng/kg, nay tăng lên 250.000 đồng/kg. Từ trồng chè nhiều hội viên trong HTX đã có thu nhập khấm khá”, anh Thắng phấn khởi nói.
Anh Đoàn Văn Thạnh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Trung Long cho biết: Hiện, tổ có 23 hội viên, trong đó có 19 hội viên còn dư nợ trên 650 triệu đồng. Các hộ gia đình vay vốn đầu tư trồng chè, trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò… Nhìn chung, các hộ gia đình đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã thoát nghèo.
Cùng với cho vay nguồn vốn ưu đãi, các thành viên trong tổ còn được hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Nhiều hội viên đã trả hết nợ vay từ NHCSXH nhưng vẫn muốn tham gia sinh hoạt tại tổ.
Ủy thác vốn vay hiệu quả
Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Dương Đỗ Văn Hùng cho biết, từ năm 2014 đến nay đã có 26.428 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó có nhiều hộ đầu tư SXKD như anh Thắng và các hộ trồng chè ở xã Trung Yên.
NHCSXH huyện Sơn Dương đang thực hiện cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội chiếm tỷ lệ rất lớn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Sơn Dương có 526 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động với tổng dư nợ ủy thác trên 549 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,6%/tổng dư nợ, tăng trên 40 tỷ đồng so với đầu năm 2019. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân là 137 tỷ đồng, dư nợ ủy thác qua Hội Phụ nữ 153 tỷ đồng, dư nợ ủy thác qua Hội Cựu chiến binh 134 tỷ đồng, dư nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên 102 tỷ đồng.
Thông qua công tác ủy thác, các tổ chức chính trị - xã hội đã tuyên truyền, phổ biến và triển khai đến hội viên chính sách, chủ trương các chương trình cho vay một cách kịp thời và liên tục. Quy trình cho vay được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, minh bạch. Công tác kiểm tra, giám sát sử dụng nguồn vốn được kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, cán bộ ngân hàng theo dõi địa bàn xã tăng cường công tác kiểm tra trong, trước và sau cho vay, đảm bảo đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Bài và ảnh Thu Hà
Các tin bài khác
- » NHCSXH tổ chức khóa đào tạo “Chuyển đổi công nghệ số cho các tổ chức tài chính”
- » Tín hiệu vui cho sinh viên vay vốn
- » Hiệu quả từ chính sách tín dụng cho hộ nghèo
- » Không để ai bị bỏ lại phía sau!
- » Kiên trung vượt “bão”
- » Lực đẩy từ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Chắp cánh cho tuổi trẻ bay xa
- » Tăng mức tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV
- » “Điểm tựa” tín dụng cho người nghèo
- » Nguồn lực quan trọng cho an sinh xã hội