Chỉ thị số 40 của Đảng trên vùng cao biên giới Đa Krông

19/09/2019
(VBSP News) Đa Krông là huyện miền núi có vị trí quan trọng không chỉ đối với tỉnh Quảng Trị mà còn với cả khu vực Bắc Trung Bộ. Nhưng do địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, đồng bào DTTS đông, nên kinh tế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) được xem là “cơ hội vàng”, giúp địa phương trên con đường giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH giúp bà con huyện Đa Krông hăng hái chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng

Đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH giúp bà con huyện Đa Krông hăng hái chuyển đổi
cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng

Xác định tầm quan trọng của Chỉ thị số 40, trong 05 năm qua, huyện Đa Krông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện. Các xã trong huyện nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị nên đã quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương mình, từ đó, cân đối các nguồn lực đầu tư của Nhà nước; đồng thời tổ chức lồng ghép, phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án, chính sách trên địa bàn. Chỉ thị số 40 thực sự đã đi vào cuộc sống, từng bước đưa Đa Krông thoát nghèo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 17%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 20,9 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 6%/năm.
Bí thư huyện ủy Đa Krông Nguyễn Trí Tuân cho biết: 05 năm qua, tín dụng chính sách chính là công cụ đắc lực giúp vùng cao biên giới Đa Krông hoàn thành Chương trình MTQG về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, hệ thống Điểm giao dịch của NHCSXH hoạt động thường xuyên tại 100% xã, thị trấn, giúp trên 90% hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS được vốn ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, bình quân 25 triệu đồng/hộ và nâng tổng số tiền cho vay lên 297 tỷ đồng. Một trong những vấn đề được huyện quan tâm là tập trung nguồn vốn ưu đãi cho vay giải quyết việc làm và xây dựng công trình NS&VSMTNT qua đó tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động trên vành đai biên giới và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người Pa Cô, Vân Kiều.
Chủ tịch UBND xã Mò Ó Hồ Văn Do cho biết: Xã có 975 hộ, trong đó hộ dân tộc Vân Kiều chiếm 86%. Thời gian qua, các hộ gia đình đồng bào DTTS đã sử dụng vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi, cải tạo ruộng nương, chuyển đổi cây trồng có năng suất cao, trồng rừng phủ xanh đồi trống, đồi trọc.
Như gia đình anh Hồ Văn Mười ở thôn La Tó, xã A Bung đã sử dụng 30 triệu đồng từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH để mua 2 con bò giống, đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, nhờ đó, đàn bò của gia đình phát triển tốt, đến nay đàn bò đã có hơn 20 con. Gia đình anh không những thoát nghèo mà còn mua sắm vật dụng gia đình, kinh tế cũng khấm khá hơn.
Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, huyện Đa Krông tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 và triển khai các giải pháp đồng bộ tập trung huy động mọi nguồn lực như nguồn vốn, lao động, công nghệ kỹ thuật, tài nguyên đất đai; chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng cường áp dụng chính sách tín dụng đối với hộ nghèo là đồng bào dân tộc mở rộng mạng lưới huy động nguồn vốn, ưu tiên tập trung đầu tư các xã nghèo, xã điểm xây dựng nông thôn mới ở vùng miền núi, dân tộc.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác