Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở

12/08/2019
(VBSP News) Từ khi trở thành thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã đã phát huy tốt vai trò của người đứng đầu chính quyền cơ sở trong việc chỉ đạo, quản lý và triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân.
NHCSXH tỉnh Phú Yên tổ chức giao dịch tại UBND xã Bình Ngọc vào ngày 23 hàng tháng kết hợp giao ban với Chủ tịch UBND xã và các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương

NHCSXH tỉnh Phú Yên tổ chức giao dịch tại UBND xã Bình Ngọc vào ngày 23 hàng tháng kết hợp giao ban với Chủ tịch UBND xã và các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương

Chủ trương bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện được thực hiện từ năm 2015, sau khi có Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Từ đó đến nay, các chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã trực tiếp quản lý, chỉ đạo và phổ biến sâu rộng các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân. Qua đó góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, gắn với kế hoạch giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Quan tâm sâu sát
Ngày 23 hàng tháng, NHCSXH tỉnh Phú Yên tổ chức giao dịch tại UBND xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa. Ngày này dù đúng vào các ngày làm việc trong tuần hay thứ Bảy, Chủ nhật, ông Nguyễn Văn Thái - Chủ tịch UBND xã đều cố gắng tham gia họp giao ban với ngân hàng và các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Tại buổi họp giao ban mới đây, một Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn nêu lên khó khăn khi không liên lạc được với hộ vay dù món vay của hộ này chuẩn bị đến hạn. Sau một vài cuộc điện thoại, ông Thái đã giúp người Tổ trưởng này có số liên lạc của hộ vay cần gặp.
Ông Thái cho hay, từ năm 2016, ông là Chủ tịch UBND xã Bình Ngọc, đồng thời tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP Tuy Hòa. “Từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã được quy định cụ thể, là người đại diện quản lý vốn tín dụng chính sách trên địa bàn nên tôi quan tâm sâu sát hơn. Hàng tháng, tôi tham gia họp giao ban với NHCSXH tại xã để nắm bắt kịp thời diễn biến hoạt động tín dụng, những nội dung, chính sách mới, các khó khăn, vướng mắc. Qua đó trực tiếp chỉ đạo các tổ chức, hội, đoàn thể cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt vai trò quản lý vốn từ khâu bình xét, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay cho đến công tác xử lý thu hồi nợ, chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, xử lý các vấn đề phát sinh, hộ bỏ đi khỏi địa phương, xác minh kịp thời các trường hợp hộ vay bị rủi ro…”, ông Thái nói.
Tại huyện Sơn Hòa, xã Sơn Xuân nhiều năm liền không có nợ quá hạn. Công tác bình xét hộ vay, quản lý vốn vay cũng như thu nợ, thu lãi định kỳ đều được đánh giá cao. Kết quả này có được một phần nhờ sự chỉ đạo sâu sát của ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã này.
Theo ông Lợi, để quản lý tốt nguồn vốn chính sách trên địa bàn, ông thường xuyên quán triệt các hội đoàn thể nhận vốn ủy thác quản lý chặt chẽ đoàn viên, hội viên và Tổ tiết kiệm và vay vốn của đơn vị; nắm chắc tình hình đời sống, điều kiện sản xuất kinh doanh của từng hộ vay; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc để giải quyết. Mỗi khi hộ vay có dấu hiệu muốn bỏ địa phương đi nơi khác thì phối hợp với ban nhân dân thôn, công an xã kịp thời thu hồi vốn, hạn chế thấp nhất tình trạng phải đi tìm hộ vay để thu nợ.
Chỉ đạo kịp thời, quyết liệt hơn
Theo NHCSXH tỉnh Phú Yên, từ khi Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở được nâng lên rõ rệt. Công tác chỉ đạo đối với ban giảm nghèo, các hội đoàn thể cấp xã, trưởng thôn/buôn/khu phố quyết liệt hơn; việc phối hợp giữa chính quyền với NHCSXH trong thực hiện các chính sách tín dụng, quản lý vốn cũng chặt chẽ hơn.
Đặc biệt, khi Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, các chương trình tín dụng chính sách được triển khai gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, hoạt động của NHCSXH ở cơ sở thuận lợi hơn, chất lượng tín dụng được nâng cao.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm hơn nữa của Chủ tịch UBND cấp xã đối với việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, những người đứng đầu chính quyền cơ sở cần chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã thường xuyên phân tích, đánh giá thực trạng và khả năng thu hồi từng món nợ quá hạn, nợ khoanh tại địa phương để có giải pháp thu hồi, xử lý phù hợp.
Chủ tịch UBND xã bố trí lịch hàng tuần để mời hộ vay đến làm việc, xử lý các trường hợp nợ chây ì, lãi tồn đọng cao…; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc bình xét hộ vay, kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn… để nâng cao chất lượng tín dụng.

Bài và ảnh Lê Hảo

Các tin bài khác