Chính sách tín dụng ưu đãi: Điều chỉnh để hộ nghèo hưởng lợi nhiều hơn

26/11/2018
(VBSP News) Khẳng định các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là công cụ giảm nghèo hữu hiệu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân cho rằng “mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay hiện không còn phù hợp, cần được xem xét, điều chỉnh”.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân

Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân

Hơn 186 nghìn hộ đã thoát nghèo

Thời gian qua, NHCSXH TP Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, các mô hình, dự án giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. 

Thông qua nguồn vốn ưu đãi, đã có hơn 186 nghìn hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 276 nghìn lao động; giúp gần 47 nghìn HSSV có vốn để trang trải chi phí học tập; gần 84 nghìn hộ xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh; trên 2,2 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ dân trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, trên 3,1 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và trên 14 nghìn lượt hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, nguồn vốn góp phần khôi phục một số làng nghề truyền thống, phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn chợ nổi Cái Răng; nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, mô hình thoát nghèo bền vững được nhân rộng. Đồng thời, góp phần đưa 1 huyện và 29/36 xã về đích nông thôn mới. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, nguồn vốn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của thành phố trên 1%/năm. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều đã giảm từ 5,12% xuống còn 2,55% vào cuối năm 2017.

Nên điều chỉnh 5 nội dung

“Qua thực tế giám sát cũng như qua các đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tôi thấy bên cạnh những mặt đạt được, tín dụng chính sách vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, cần điều chỉnh, bổ sung. Chẳng hạn, trong 5 đối tượng được vay vốn theo chương trình Cho vay Nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP thì người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại khu vực đô thị được vay vốn; còn ở khu vực nông thôn không được vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở hoặc mua, thuê mua nhà ở xã hội là bất hợp lý”, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân cho biết .

Chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là công cụ giảm nghèo hữu hiệu

Chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là công cụ giảm nghèo hữu hiệu

Mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa hiện nay của các chương trình cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh chưa phù hợp với các dự án sản xuất kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa, đầu tư sản xuất, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm theo quy hoạch phát triển kinh tế vùng. Cụ thể, mức cho vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm. Cử tri đề nghị nâng mức cho vay và thời hạn cho vay của các chương trình này lên 80 - 100 triệu đồng/hộ với thời hạn cho vay tối đa là 10 năm.

Mức cho vay tối đa chương trình giải quyết việc làm hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tối đa 1 tỷ đồng với một cơ sở sản xuất kinh doanh; 50 triệu đồng/lao động. Nên chăng, nâng mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/cơ sở sản xuất kinh doanh; tối đa 100 triệu đồng/lao động nhằm hỗ trợ hiệu quả cho người vay. Lãi suất cho vay chương trình này bằng lãi suất cho vay chương trình hộ nghèo là 6,6%/năm cũng chưa phù hợp. Do đa số các đối tượng vay vốn của chương trình này không phải hộ nghèo, chủ yếu là để giải quyết việc làm cho các lao động trong hộ gia đình thiếu vốn làm ăn. Vì vậy, cần nâng lãi suất cho vay chương trình này bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo tức là 7,92%/năm.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn. Theo báo cáo của NHCSXH TP Cần Thơ, hàng năm, nguồn vốn cho vay chủ yếu là do ngân sách địa phương chuyển sang và nguồn vốn đối ứng do NHCSXH huy động. Nhiều nhất là năm 2018, thành phố được phân bổ 90 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chuyển sang 40 tỷ đồng, NHCSXH huy động 50 tỷ đồng; còn nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thì từ năm 2012 đến nay, thành phố không được phân bổ.

Do Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương nên nhu cầu vốn để giải quyết việc làm hàng năm là rất lớn. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 12 nghìn lao động có nhu cầu giải quyết việc làm và trên 1 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ cần vốn để sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Do đó, Cần Thơ cần được bổ sung ít nhất là 100 tỷ đồng/năm.

Thái Bình thực hiện

Các tin bài khác