Bắc Hà đổi thay nhờ nguồn vốn chính sách
Vay vốn chăn nuôi, trồng cây ăn quả
Bắc Hà là huyện vùng cao nằm trong nhóm 56 huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, huyện nghèo Bắc Hà đã có sự trở mình đổi thay đáng kể.
Tiêu biểu là hộ gia đình chị Sìn Thị Thu ở thôn Sín Chải A, xã Na Hối. Năm 2008, hộ chị Sìn Thị Thu là hộ nghèo đặc biệt khó khăn, nhờ có sự quan tâm tạo điều kiện của NHCSXH huyện Bắc Hà đã giải ngân cho gia đình chị Sìn Thị Thu vay vốn hộ nghèo với số tiền 30 triệu đồng. Nhờ vậy, chị đã đầu tư mua trâu sinh sản và chăn nuôi lợn, gà phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Năm 2015, gia đình chị đã ổn định đời sống kinh tế, nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn. Mới đây, gia đình chị Thu mạnh dạn vay 50 triệu đồng theo diện hộ cận nghèo để mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng trọt. Hiện nay, hộ gia đình chị Thu có tổng 4300m2 đất trồng 200 gốc mận tam hoa, 36 con lợn, 50 con gà… mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, chị Thu xúc động chia sẻ: “Trước khi vay vốn gia đình tôi khó khăn lắm. Nếu không có vốn ưu đãi từ NHCSXH, gia đình tôi không có ngày hôm nay”.
Cùng huyện Bắc Hà, ông Ma Seo Áo ở xã Bản Phố có 2 con trai bị bại não, trước đây phải chật vật đong gạo từng bữa. Sau khi được vay 10 triệu đồng theo diện hộ nghèo từ năm 2016, gia đình ông cũng đã mua trâu, lợn giống và xây chuồng trại. Ông Áo cho biết: “Nhờ được vay vốn từ NHCSXH nên gia đình mua trâu về nuôi. Bây giờ, 2 con trâu và đàn lợn là tài sản lớn của gia đình. Thời gian tới, tôi sẽ nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế gia đình”.
Đa dạng các mô hình
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức song NHCSXH huyện Bắc Hà đã đề ra các giải pháp, biện pháp điều hành, tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, đến nay nguồn vốn huy động tại địa phương trên 25 tỷ đồng tăng 19,4% so với đầu năm, hoàn thành 83,5% kế hoạch tăng trưởng; chất lượng tín dụng từng bước nâng cao, giảm thấp nợ xấu; hoạt động giao dịch xã luôn duy trì đúng lịch, phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH.
Vốn tín dụng ưu đãi tập trung đầu tư cho vay phần lớn tại khu vực nông thôn, cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách vay vốn đầu tư SXKD. Từ đó, đã góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương. Cuối năm 2017, kết quả điều tra hộ nghèo toàn huyện Bắc Hà còn 5.169 hộ, chiếm 38,91% giảm 962 hộ tương đương 8,29% so với cùng kỳ.
Bài và ảnh Nguyễn Quỳnh
Các tin bài khác
- » “Ba biết” ở Đồng Lâm
- » Người biết quản lý vốn vay ở Na Pắc Ngam
- » Mộ Đức phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
- » Nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng NS&VSMTNT
- » Điều chỉnh một số chính sách xây dựng cụm dân cư vùng ngập lũ ĐBSCL
- » Khảo sát hiệu quả tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc Yên Bái
- » “Đòn bẩy” làm giàu của nhà nông dân đất quan họ
- » Động lực để thoát nghèo bền vững
- » Vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ổn định cuộc sống
- » Đại hội Công đoàn Ngân hàng Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018 - 2023