Tín dụng chính sách giúp 4,5 triệu lượt hộ vượt ngưỡng nghèo
Ông Bùi Sĩ Lợi, Đại biểu Quốc hội - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - NHNN; ông Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH; ông Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế đồng chủ trị buổi Tọa đàm.
Tham dự buổi Tọa đàm còn có đại diện Bộ LĐTB&XH, Bộ NN&PTNT; Lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc NHNN, Hội Nông dân Việt Nam, Hội CCB, Hội LHPN Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và một số hộ gia đình, học sinh, sinh viên…
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sự quan tâm đặc biệt của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng, ngành Ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS.
Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH luôn có sự tăng trưởng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 25,82%. Sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn…, đóng góp quan trọng để thực hiện được các mục tiêu đặt ra tại Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời kỳ 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%, thời kỳ 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%, thời kỳ 2011 - 2015 từ 14,2% xuống còn 4,25%.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết, NHNN đã xây dựng và triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng thương mại cùng với dòng vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn này. Những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam đạt được không thể không nói đến vai trò của tín dụng chính sách, đây là một phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Việt Nam. Trong những năm qua, hệ thống chính sách tín dụng ưu đãi không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS.
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo - Bộ LĐTB&XH khẳng định tại buổi Tọa đàm: “Đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách, hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã thu được những thành tựu nổi bật, tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Thành tựu này được nhìn nhận như một “điểm sáng” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giảm nghèo, cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 15 năm qua, Bộ LĐTB&XH đã luôn đồng hành cùng NHCSXH trong suốt quá trình hoạt động, tạo điều kiện để NHCSXH thực hiện hiệu quả hơn hoạt động của mình theo chức năng, nhiệm vụ được giao”.
Theo Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải, từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (Chương trình hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm), đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện.
Đến 30/9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với gần 7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là gần 14 nghìn tỷ đồng, với gần 457 nghìn đối tượng đang dư nợ.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Đỗ Thị Kim Hảo - Phó Giám đốc Học viện ngân hàng cho biết: Trải qua 15 năm hoạt động, NHCSXH đã thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách cho nhiều đối tượng với mục tiêu đa dạng.Bên cạnh chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chương trình tín dụng chính sách còn bao gồm các chương trình nổi bật như chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn,giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,… Các chương trình tín dụng chính sách đã tạo nên bước đột phá về cải thiện điều kiện sống và việc làm cho người nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân - TW Hội ND Việt Nam cho rằng phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách mà NHCSXH và các đoàn thể chính trị - xã hội đang thực hiện là cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả, rất đặc trưng và mang tính ưu việt của Việt Nam. Cách làm đó giúp vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng; cơ chế vay vốn thuận lợi, an toàn, nhanh chóng; giảm thời gian giao dịch, tiết kiệm chi phí đi lại của hộ vay. Việc cho vay vốn qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đã làm tăng sự đoàn kết, tính nhân ái, giàu tình thương yêu đùm bọc, gắn bó tình làng, nghĩa xóm. Giúp các hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.
Cũng theo các chuyên gia, cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách thời gian qua đã không ngừng được củng cố và nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao (năm 2002) xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).
Trần Giáp thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ Quảng Nam, Quảng Ngãi
- » Bão tan, còn lại tình người
- » Viết tiếp huyền thoại Tơ Tung
- » Nuôi dưỡng khát vọng đổi đời từ “bút sách”
- » Ngọn hải đăng trên đảo Hòn Tre
- » Góp sức chuyển động vùng đồi rừng Bắc Giang
- » Khi nguồn vốn ưu đãi được phát huy hiệu quả
- » Điểm tựa cho đồng bào dân tộc thiểu số
- » Tín dụng chính sách giúp bà con vùng cao Yên Châu thoát nghèo bền vững