Hành trình 15 năm đồng hành cùng người nghèo Tuyên Quang
Tăng cả quy mô và chất lượng
Theo bà Lê Thị Kim Dung - Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Tuyên Quang, nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chính sách tín dụng ưu đãi, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo sát sao các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp huy động nguồn vốn, quản lý, điều hành nguồn vốn tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi một số giống cây, con có giá trị kinh tế cao kết hợp với sản xuất hàng hóa, bảo vệ môi trường; đồng thời, cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Trải qua 15 năm hoạt động, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đã từng bước khẳng định tính đúng đắn trong việc tách bạch tín dụng chính sách với hoạt động của các Ngân hàng thương mại; củng cố niềm tin của nhân dân đối với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ 03 chương trình tín dụng triển khai tại thời điểm ban đầu thành lập (2002), đến nay chi nhánh đã triển khai tới 15 chương trình với tổng dư nợ đạt 2.242 tỷ đồng, tăng gấp hơn 19 lần so với cuối năm 2002; doanh số cho vay đạt 5.094,6 tỷ đồng với 346.842 lượt hộ được vay vốn. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2002 - 2017 là 22,3% năm; doanh số thu nợ trong 15 năm đạt 2.989,3 tỷ đồng, chiếm 58,67% doanh số cho vay. Mức cho vay bình quân/hộ qua các năm đã tăng lên(năm 2002 mức cho vay bình quân/hộ là 5 triệu đồng; đến nay, mức cho vay bình quân/hộ tăng lên là 22,4 triệu đồng); trên 95% dư nợ tín dụng chính sách được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục và đào tạo.
Đi đôi với việc tăng trưởng các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng sống của nhân dân; chi nhánh đã chủ động thực hiện và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, công tác ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động vì vậy chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được cải thiện, nâng cao. Cuối năm 2002, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 2,37% tổng dư nợ; đến nay giảm còn 0,5%.
Bên cạnh nguồn vốn Trung ương chuyển về để cho vay các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cũng thực hiện tham mưu cấp ủy, chính quyền chuyển nguồn vốn địa phương sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Sau 3 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, ngân sách tỉnh đã chuyển sang là 10 tỷ đồng, ngân sách huyện ủy thác sang là 2,5 tỷ đồng để NHCSXH cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Trao “cần câu” thoát nghèo bền vững
Theo chân cán bộ NHCSXH huyện Lâm Bình đến từng nhà dân để tìm hiểu về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay từ các kênh của ngân hàng, chúng tôi vui lây với niềm vui của người dân khi cuộc sống đã được cải thiện đáng kể nhờ đồng vốn từ NHCSXH.
Ít ai biết Cháng A Nhầy - một “đại gia” nuôi trâu vỗ béo ở xã Bình An, huyện Lâm Bình đã từng có nhiều năm nghèo xơ xác. A Nhầy là người dân tộc Mông ở xã Thúy Loa (huyện Na Hang cũ) về tái định cư ở thôn Nà Xé (nay là thôn Tiên Tốc), xã Bình An, huyện Lâm Bình. Suốt 5 năm đầu, vừa chưa quen tập quán canh tác, vừa thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, gia đình A Nhầy cứ luẩn quẩn trong vòng vây của đói nghèo.
Năm 2010, Cháng A Nhầy và hơn chục hộ dân tái định cư được huyện cho đi học tập kinh nghiệm nuôi trâu vỗ béo ở Hà Giang. Về địa phương, A Nhầy mạnh dạn vay vốn của NHCSXH, tìm mua trâu gầy, trâu ốm về chăm. Vài tháng sau, khi trâu khỏe thì bán. Mỗi con trâu nuôi theo cách này, A Nhầy có lãi vài triệu đồng. Chỉ sau 1 năm (năm 2011) A Nhầy trở thành người đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đến nay, gia đình chàng thanh niên người Mông này đã trở thành hộ khá giàu của xã. A Nhầy tâm sự, khi đi học tập kinh nghiệm nuôi trâu ở Hà Giang mới thấy đất đai ở quê mình quá thuận lợi. Có bãi rộng để chăn trâu, có đất để trồng cỏ, lại có nhiều rơm sau thu hoạch ở ruộng. Chỉ khó mỗi điều là vốn để mua trâu lớn quá. Con xấu xấu cũng phải 15 triệu đến 20 triệu đồng. Có khi gặp được con trâu gầy nhưng tướng đẹp, có thể chăm thành con trâu tốt cũng có giá đến 30 triệu đồng.
Anh Ma Công Nguyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An chia sẻ, nuôi trâu vỗ béo là cách làm phù hợp với điều kiện ở địa phương. Kinh nghiệm chăn nuôi của đồng bào có, nguồn thức ăn có lại cho thu nhập tốt. Tuy nhiên, với số vài chục triệu bỏ ra ban đầu đối với hộ nghèo lại là vấn đề khó. Vì thế, những đồng vốn của NHCSXH đã giúp cho hàng trăm hộ nghèo ở xã Bình An vươn lên trở thành hộ khá.
Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình đánh giá: Với phương châm đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, nguồn vốn chính sách ưu đãi đã đến với cộng đồng và được người nghèo tiếp cận một cách nghiêm túc bằng những mô hình phát triển kinh tế cụ thể mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Riêng với Lâm Bình, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách toàn huyện đến nay đạt gần 229 tỷ đồng, tăng 154 tỷ đồng so với năm mới thành lập; bình quân mỗi năm tăng 25,6 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm, đạt 34,2%. Vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã cho 13.526 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới được 5.896 lao động, có 1.292 HSSV được vay vốn để học tập; 315 hộ nghèo được hỗ trợ để xây dựng nhà ở; 3.665 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới; giúp cho 3.025 hộ nghèo tại địa phương thoát nghèo vươn lên
Chia sẻ về định hướng hoạt động trong thời gian tới, bà Lê Thị Phí Hà - Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Chi nhánh phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Nguồn vốn và dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân hằng năm từ 10% - 12%. Đến năm 2020 dư nợ đạt khoảng 3.168 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác hàng năm tăng tối thiểu 10 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh tín dụng chính sách duy trì ở mức dưới 0,5%/ tổng dư nợ; 100% các khoản nợ khoanh đến hạn trong từng năm đều được thu hồi hoặc xử lý theo chính sách quy định…
Trong 15 năm qua hơn 346.842 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được vay vốn tín dụng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh; qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm, cụ thể: tỷ hộ hộ nghèo giai đoạn 2000 - 2005 đã giảm từ 12,5% xuống còn dưới 5%; giai đoạn 2006 - 2010 đã giảm từ 35,64% xuống còn 13,34%; giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 34,83% xuống còn 9,31%; năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,81% xuống còn 23,33% (tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của Chính phủ từng giai đoạn); giúp cho 111.091 hộ thoát nghèo; thu hút 23.166 lao động có việc làm ổn định; hơn 24 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng hơn 69 nghìn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hơn 10 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách… |
Bài và ảnh Khánh Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách góp phần tạo diện mạo mới trên quê hương cách mạng Tuyên Quang
- » Các chính sách tín dụng ưu đãi đã thực sự đi vào cuộc sống
- » Chắp cánh giấc mơ miền biển
- » Gần 65 nghìn hộ ở Long An vay vốn chính sách thoát nghèo
- » Tọa đàm trực tuyến về Hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách - Cánh tay nối dài trong hành trình đưa vốn đến với người nghèo
- » Bản Vịn “đuổi nghèo”
- » An cư từ những đồng vốn nghĩa tình
- » Giúp thanh niên Chư Sê lập nghiệp
- » Thành công từ bánh sữa
- » Dân chủ và công khai trong tín dụng chính sách ở Quỳnh Phụ