“Đề án đã thực sự đi vào cuộc sống, chọn đúng trọng tâm và phối hợp chỉ đạo hiệu quả”

27/06/2017
(VBSP News) Bên lề Hội nghị tổng kết 5 năm (giai đoạn 2012 - 2016) thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ tổ chức vào ngày 28/6/2017 tại TP Cần Thơ, phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Hiệp (ảnh) - Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ về kết quả, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Đề án cũng như hiệu quả tín dụng chính sách trong việc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực.

22589

Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả sự phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ giữa Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ với NHCSXH. Nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đã góp phần ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội ra sao?

Trả lời: Như chúng ta biết, tín dụng chính sách là tín dụng đặc biệt, không chỉ có ý nghĩa về đòn bẩy kinh tế mà nó còn có ý nghĩa về mặt thực hiện chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo để cải thiện cuộc sống. Vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện Đề án này, ngay từ đầu cũng như xuyên suốt trong 5 năm qua, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp với NHCSXH, các địa phương trong vùng quán triệt yêu cầu này đầy đủ, xuyên suốt, tập trung ở 3 trọng tâm.

Thứ nhất, là quán triệt, tạo chuyển biến thực chất từ trong nội bộ. Trong đó, xác định địa phương, đặc biệt là đơn vị ở cấp cơ sở là hết sức quan trọng. Từ đó tăng cường phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ với các tỉnh, thành và lực lượng chuyên trách là NHCSXH.

Thứ hai, triển khai tới người dân, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng là người nghèo và các đối tượng chính sách để thực hiện một cách quyết tâm, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách của vùng Tây Nam bộ.

Thứ ba, trong quá trình triển khai thực hiện cũng như phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương thì Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã đề xuất và chọn địa bàn cơ sở, lấy lực lượng cán bộ nghiệp vụ ngân hàng cùng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Tổ tiết kiệm và vay vốn làm lực lượng nòng cốt, từ đó tạo chuyển biến về chất lượng và nâng cao tín dụng chính sách trong vùng.

Phóng viên: Ông có thể cho biết sự chuyển biến tích cực đó thể hiện ở những nội dung nào?

Trả lời: Qua 5 năm thực hiện Đề án có thể thấy rằng kết quả đã “vẽ lại được bản đồ” chính sách tín dụng của quốc gia. Trong đó, vùng Tây Nam Bộ từ “vùng trũng” với những điểm tối của tín dụng chính sách nay đã chuyển sang những gam màu sáng. Trong đó nổi bật là “4 tăng - 1 giảm”: Một là, tăng tổng nguồn vốn ủy thác của các địa phương ở mức 47,5%, nâng tổng nguồn vốn này lên trên 920 tỷ đồng; Hai là, tăng tổng dư nợ tín dụng chính sách lên hơn 64,5% với tổng dư nợ chính sách tín dụng là 28.000 tỷ đồng và đưa mức tăng trưởng tín dụng chính sách hàng năm từ mức thấp hơn so với bình quân cả nước thì vùng Tây Nam Bộ đã tăng trưởng hàng năm hơn 10,5%, cao hơn mức bình quân của cả nước chỉ là 8,7%; Ba là, việc tăng số hộ thoát nghèo. Cụ thể tín dụng chính sách trong vùng đã giúp gần 400 nghìn hộ thoát nghèo và giải quyết việc làm cho gần 150 nghìn lao động thông qua việc cho vay và thực hiện tín dụng chính sách; Bốn là, số lượng cũng như chất lượng của các Tổ tiết kiệm và vay vốn từ một vùng có số lượng tổ với chất lượng hoạt động kém, đến nay chất lượng đã được nâng hẳn lên. Cụ thể đến nay có 29.135 tổ xếp loại khá (chiếm tỷ lệ 73,5%), tăng 13.208 tổ so thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án.

Và một chỉ tiêu giảm hết sức quan trọng nữa, đó là giảm tỷ lệ nợ quá hạn từ mức rất cao, từ 4,11% (gần 2,1 lần tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chung toàn hệ thống) xuống còn 0,81%. Đến nay, tỷ lệ này bình quân thấp hơn so với các vùng miền khác cũng như bình quân của cả nước. Đó là kết quả có thể thấy được từ việc phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả của Đề án.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong vùng đã giúp gần 400 nghìn hộ thoát nghèo và giải quyết việc làm cho gần 150 nghìn lao động

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong vùng đã giúp gần 400 nghìn hộ thoát nghèo và giải quyết việc làm cho gần 150 nghìn lao động

Phóng viên: Đề nghị ông cho biết kinh nghiệm rút ra trong quá trình phối hợp thực hiện tín dụng chính sách giữa Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ với NHCSXH?

Trả lời: Qua theo dõi thực tế và công tác phối hợp thì tôi thấy rằng có 3 bài học kinh nghiệm cần được rút ra để tiếp tục phát huy.

Trước hết, trong 5 năm qua, các ban, ngành Trung ương, đặc biệt là NHCSXH phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cùng các địa phương trong vùng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến việc củng cố, tổ chức, từ hoạt động nghiệp vụ của ngành Ngân hàng đến các việc làm chính sách, từ những giải pháp về kinh tế gắn với giải pháp về xã hội. Có thể nói rằng đó là bài học kinh nghiệm quý trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Thứ hai, hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thành công Đề án 5 năm qua đó là việc tăng cường, phối hợp và đạt được hiệu quả trong việc phối hợp triển khai thực hiện.

Thứ ba, đã đánh giá đúng thực chất tín dụng chính sách trong vùng, từ đó đã chọn điểm chỉ đạo đúng trọng tâm. Đó là chỉ đạo ở địa phương, ở cơ sở, lấy cơ sở làm điểm chỉ đạo. Với giải pháp phối hợp và đặc biệt là vùng Tây Nam Bộ cũng có những sáng kiến, đề xuất. Ví dụ như việc đề nghị bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã làm thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện là một sáng kiến đề xuất của vùng Tây Nam Bộ, nay đã được nhân rộng ra cả nước. Từ sáng kiến đó đã phát huy được hiệu quả rất tích cực, đã kết nối giữa cơ sở với Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Và thực tế việc củng cố hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn nay đã đi vào nề nếp.

Phóng viên: Ông có thể cho biết sự phối hợp trong thời gian tới giữa Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ với NHCSXH sẽ tập trung vào những nội dung gì?

Trả lời: Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Đề án, theo tôi cần phải quan tâm chỉ đạo thực hiện 3 yêu cầu, đó là: Cần quan tâm để tranh thủ tạo nguồn vốn cho vay. Chúng ta biết rằng tín dụng chính sách là một công cụ, do vậy nguồn vốn cần phải tâm bố trí từ các nguồn vốn của Trung ương, điều đó là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để nguồn vốn đáp ứng được nhu cầu thì vai trò tham mưu của NHCSXH, NHNN và các Bộ, ngành liên quan với Chính phủ là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó một vấn đề trong thời gian qua còn gặp khó khăn là nguồn vốn ủy thác từ địa phương. Như chúng ta đã biết là 13 tỉnh, thành trong vùng Tây Nam Bộ thì duy nhất hiện nay chỉ có thành phố Cần Thơ có nguồn thu điều tiết về Trung ương. Còn lại 12 tỉnh trong khu vực còn khó khăn. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan tâm lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án khác thì có thể tranh thủ được nguồn vốn của địa phương chuyển sang để cho vay. Khi chúng ta tranh thủ được nguồn vốn phong phú lúc đó mới có điều kiện tăng trưởng tín dụng. Một điểm nữa, là tăng cường phối hợp trong chỉ đạo giữa các Bộ, ngành Trung ương cũng như chỉ đạo xuống địa phương. Chủ lực ở đây vẫn là NHCSXH, giữa Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ với cấp ủy, chính quyền địa phương để tạo ra một sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng này. Phối hợp chung là cần thiết nhưng cũng cần chọn một lực lượng nòng cốt, đó là NHCSXH với các hội, đoàn thể nhận ủy thác. Và, trong đó vai trò của Tổ tiết kiệm và vay vốn là không thể thiếu.

Cùng với đó, lồng ghép về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chúng ta phải thấy rằng, tín dụng chính sách là một giải pháp, NHCSXH là một kênh thực hiện chính sách. Để đảm bảo phát triển ổn định, bền vững cũng như các đối tượng chính sách này họ vươn lên vượt khó, thoát nghèo thì cần nhiều giải pháp khác. Trong đó, tạo việc làm, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động tín dụng chính sách này thực sự hiệu quả.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

PV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác