Địa chỉ tin cậy của người nghèo
Huyện Kbang (Gia Lai) có đến 14 xã, thị trấn nhưng địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, trung bình các xã cách trung tâm huyện khoảng 20km. Để phát huy hiệu quả hoạt động các Điểm giao dịch tại xã, NHCSXH huyện Kbang luôn triển khai kịp thời các quy định theo hướng dẫn của cấp trên; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ tại các Điểm giao dịch xã, thị trấn, đội ngũ cán bộ hội, đoàn thể và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tại các Điểm giao dịch, những thông tin mới về chính sách vốn, thay đổi về hộ vay… được niêm yết công khai và kịp thời. Với những biện pháp chỉ đạo đồng bộ và chặt chẽ như vậy, trong những năm qua, hoạt động của các Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đi vào nền nếp, ổn định.
Các hội, đoàn thể tích cực, chủ động phối hợp với NHCSXH trong việc hướng dẫn đối tượng vay vốn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làm thủ tục giao dịch với ngân hàng, giúp việc giao dịch được nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả kinh tế cho người dân.
Nói về hoạt động Điểm giao dịch tại xã, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne Lê Văn Quang cho hay: “Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người dân mà còn đảm bảo an toàn cho người dân khi nhận tiền vay hoặc mang tiền đi trả nợ, trả lãi, gửi tiết kiệm vì xã Kon Pne cách trung tâm huyện tới 90km”.
Còn bà Đinh Thị Thất ở làng Kon Lanh 1, xã Đak Rong cho biết: “Trước đây, tôi vay 20 triệu đồng hộ nghèo để đầu tư chăm sóc cà phê. Trả hết nợ rồi, tôi lại được vay 50 triệu đồng dành cho hộ cận nghèo. Tôi thấy cách triển khai của NHCSXH để người dân tiếp cận được nguồn vốn là rất nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người dân, nếu không chúng tôi muốn vay, trả lãi phải ra tới trung tâm huyện rất xa, vừa mất thời gian, tốn kém và không an toàn”.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Lơ Ku Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ: “Hiện tại, tổ đang quản lý 30 thành viên với dư nợ hơn 1 tỷ đồng. Hằng tháng, việc giao dịch của tổ với NHCSXH huyện được thực hiện hiệu quả ngay tại Điểm giao dịch xã. Tại đây, cán bộ NHCSXH còn hướng dẫn cho chúng tôi về nghiệp vụ sổ sách, cũng như thông tin chủ trương, chính sách có liên quan đến chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước”.
Giám đốc NHCSXH huyện Kbang Đinh Thị Thu Hiền thông tin, tất cả các hoạt động giao dịch với người nghèo và các đối tượng chính sách được thực hiện chủ yếu tại Điểm giao dịch xã và triển khai đúng quy định. Đây là địa chỉ quen thuộc và được bà con hết sức tin tưởng. Qua đó, công tác phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể trong việc ủy thác, cho vay, thu nợ cũng được chặt chẽ hơn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng tại cơ sở.
Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện đạt trên 237 tỷ đồng với 7.745 hộ vay thông qua 12 chương trình tín dụng. Nhờ phát huy được những “cánh tay nối dài” này mà NHCSXH huyện trong những năm qua đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; tỷ lệ cho vay, thu nợ đạt trên 90%; nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,08% tổng dư nợ. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện thời gian qua với tỷ lệ giảm hơn 5%/năm.
Bài và ảnh Công Lý
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hân hoan miền trung du Yên Thế
- » TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH VÙNG TÂY NAM BỘ: “Xé rào” đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo
- » “Bảo bối” thoát nghèo của người Khmer
- » Nâng cao chất lượng tín dụng - Thay đổi từ nhận thức
- » NHCSXH làm việc với Nhóm đánh giá độc lập của Ngân hàng Thế giới về dự án phát triển Ngành lâm nghiệp
- » Chất lượng tín dụng NHCSXH thị xã Kỳ Anh: Vững như “kiềng 3 chân”
- » Dân bản Hát Lếch thoát nghèo nhờ nuôi gia súc
- » Bảo đảm nước sinh hoạt của người dân trong mùa khô
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách nơi xứ dừa
- » Gia Lâm tiếp sức ngành nghề