ADB giúp Việt Nam phát triển khu vực tài chính vi mô hài hòa, theo định hướng thị trường

22/12/2012
(VBSP) Ngày 7/9, tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình và ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đã ký kết Hiệp định vay Chương trình Phát triển tài chính vi mô - Tiểu chương trình 1.

10940 

Theo đó, khoản vay chương trình trị giá 40 triệu USD từ các nguồn quỹ đặc biệt của ADB cho Tiểu chương trình 1 hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chính thức cho người nghèo, đặc biệt là những người sống ở khu vực nông thôn. Chương trình này nằm trong danh mục dự án của Chiến lược Đối tác Quốc gia mới của ADB với Chính phủ Việt Nam.

Chương trình Phát triển tài chính vi mô sẽ hướng tới hợp nhất tài chính vi mô vào thị trường tài chính chính thức thông qua thúc đẩy các tổ chức tài chính vi mô mới nổi trở thành các tổ chức tín dụng chính thức được NHNN cấp phép hoạt động, đồng thời khuyến khích cải cách và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng của Nhà nước có liên quan đến tài chính vi mô như Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương. Chương trình cũng giúp nâng cao năng lực hoạt động và giám sát tài chính vi mô và hỗ trợ phát triển các cơ sở hạ tầng của khu vực tài chính, bao gồm cơ sở đào tạo, các chương trình tuyên truyền và kế hoạch bảo vệ người tiêu dùng cũng như thiết lập một hệ thống trao đổi thông tin tín dụng.

Phát biểu tại Lễ ký, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội nhấn mạnh: Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam cùng với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đã đặc biệt quan tâm vấn đề đảm bảo an sinh xã hội mà trong đó công cuộc xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa luôn được chú trọng và ưu tiên. Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu ấn tượng về giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân thông qua việc thực hiện đồng loạt các chương trình trọng điểm, duy trì mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006 - 2010, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 62 huyện nghèo… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 28,9% năm 2002 xuống còn 15,5% năm 2006, 14% năm 2011, dự kiến năm 2012 sẽ giảm còn 12% và sẵn sàng cho việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng Việt Nam vẫn còn gặp phải một số khó khăn nhất định như việc thiếu các dịch vụ tài chính phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân; phát triển các tổ chức tài chính vi mô chưa đồng bộ và còn có hạn chế về khuôn khổ pháp lý. Nhận thức được vai trò quan trọng của tài chính vi mô như là một công cụ hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn Chiến lược phát triển tài chính vi mô của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu chuyển đổi ngành tài chính vi mô thành một ngành vững mạnh theo định hướng thị trường, đảm bảo sự tiếp cận dịch vụ cho tất cả khách hàng với các tổ chức tham gia dịch vụ tài chính vi mô mạnh; cung cấp nhiều dịch vụ tài chính có chất lượng cho các hộ gia đình nghèo và thu nhập thấp; tăng cường cơ hội phát triển kinh tế cho người dân.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định: Những thành tựu to lớn của Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo thời gian qua có sự đóng góp hiệu quả, tích cực và thiện chí của cộng đồng quốc tế, trong đó ADB luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Việc ADB tiếp tục tài trợ riêng cho một chương trình phát triển tài chính vi mô của Việt Nam đã thể hiện việc quan tâm sâu sát và hiểu biết của ADB đến những vấn đề ưu tiên trong công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, góp phần thu hẹp chênh lệch giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thống đốc cũng bày tỏ hy vọng rằng việc ký kết hôm nay sẽ mở đầu cho bước tiến của Chương trình tài chính vi mô của Việt Nam, đặt cơ sở nền tảng cho các dự án về tài chính vi mô trong thời gian tới.

Cũng tại Lễ ký kết, Ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết: Để thu hẹp khoảng cách phát triển và cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội và dịch vụ xã hội của người nghèo, Việt Nam cần giải quyết các dịch vụ tài chính vi mô, mang lại thuận lợi cho tất cả mọi người dân. Hiệp định vay vốn ký kết hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong những nỗ lực chung của Chính phủ Nhật Bản và ADB nhằm phát triển một khu vực tài chính vi mô chính thức, lành mạnh và bền vững tại Việt Nam.

Thanh - Tùng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác