Na Rì phát huy hiệu quả nguồn vốn vay cho hộ nghèo
Để có được những kết quả đáng mừng như vậy, phải kể đến sự đóng góp rất lớn từ các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp hộ nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế.Chúng tôi có dịp cùng cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Na Rì, tiến hành giải ngân nguồn vốn vay hộ nghèo tại thôn Khuổi Nộc, xã Lương Thượng, một trong những thôn vùng cao có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện. Chứng kiến những đổi thay trong đời sống lao động sản xuất của đồng bào Mông nơi đây, chúng tôi thấy mình như hòa chung niềm vui với bà con trước những thành quả đạt được từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo của ngân hàng. Gia đình anh Lò Văn Giàng, ở thôn Khuổi Nộc, là một trong những hộ tiêu biểu, có nhiều nỗ lực trong việc thoát nghèo ở địa phương. Thông qua các tổ chức hội ở địa phương, gia đình anh Giàng được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Anh Giàng đã sử dụng nguồn vốn để đầu tư vào mô hình nuôi bò vỗ béo. Anh Giàng tâm sự: Đời sống của gia đình tôi cũng như nhiều hộ đồng bào Mông trong thôn trước đây rất khó khăn, do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất ổn định lâu dài; đồng bào thường giữ thói quen lạc hậu du canh, du cư, khiến cho đời sống của người dân trước đây vốn đã rất vất vả, thì nay lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Từ khi được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển sản xuất, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký vay 30 triệu đồng để đầu tư mô hình chăn nuôi bò vỗ béo. Hằng năm trừ mọi chi phí cũng cho thu nhập trên dưới 20 triệu đồng, từng bước thoát nghèo và dần có cuộc sống ổn định lâu dài, không phải di cư tự do như trước đây nữa.
Trưởng thôn Khuổi Nộc, ông Dương Văn Sơn cho biết, trên 90% số hộ nghèo của thôn đều đăng ký vay vốn ưu đãi của ngân hàng để đầu tư vào các mô hình phát triển kinh tế, trong đó chủ yếu là nuôi bò vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn thôn hiện có trên 200 con gia súc, thì có tới 70% là đàn bò nuôi bán chăn thả. Từ mô hình bò nuôi nhốt này, mỗi năm thôn Khuổi Nộc giảm được từ 2 - 3 hộ nghèo, góp phần tích cực và công cuộc giảm nghèo ở địa phương.
Có thể khẳng định rằng, nguồn vốn vay dành cho hộ nghèo, kết hợp với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đã giúp cho đời sống của các hộ nghèo trong huyện có nhiều chuyển biến rõ rệt. Từ những phương thức sản xuất lạc hậu, mang tính tự cung tự cấp dựa nhiều vào tự nhiên là chủ yếu, đến nay nhiều hộ nghèo của huyện Na Rì đã biết đầu tư nuôi lợn, nuôi bò, trồng ngô áp dụng theo những tiến bộ khoa học mới, nhằm phát huy hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Ông Hoàng Đình Nhuận - Giám đốc NHCSXH huyện Na Rì cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã tiến hành giải ngân được trên 68 tỷ đồng, cho hơn 3.400 hộ nghèo của huyện vay vốn để phát triển kinh tế. Qua kiểm tra nguồn vốn vay ở địa phương, nhìn chung các đối tượng được vay vốn tín dụng đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, không có hộ nào vi phạm quy chế cho vay của ngân hàng.
Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung cho vay quay vòng, không để tồn đọng vốn; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với kênh tín dụng ưu đãi của Nhà nước; chủ động huy động các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo. Cùng với đó, đơn vị xây dựng kế hoạch đề xuất với chi nhánh đưa tổng dư nợ lên trên 70 tỷ đồng vào năm 2013, để có thể nâng mức đầu tư cho các hộ nghèo vay vốn, từng bước mở rộng về quy mô cũng như hình thức sản xuất, nhằm tăng thu nhập cho các hộ nghèo tại địa phương.
Quý Đôn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giúp nông dân thoát nghèo
- » Mô hình "Vay bò trả bê": Giúp nông dân thoát nghèo bền vững
- » Khung kế hoạch giảm nghèo bền vững
- » Vốn vay ưu đãi góp phần đảm bảo an sinh xã hội
- » CẦN MỞ RỘNG CHO VAY HỘ CẬN NGHÈO: Nỗ lực để không tái nghèo (Bài 4)
- » CẦN MỞ RỘNG CHO VAY HỘ CẬN NGHÈO: Mong sớm được vay vốn ưu đãi (Bài 3)
- » CẦN MỞ RỘNG CHO VAY HỘ CẬN NGHÈO: Điểm tựa vốn tín dụng (Bài 2)
- » CẦN MỞ RỘNG CHO VAY HỘ CẬN NGHÈO: Ranh giới mỏng (Bài 1)
- » Những ngày bấn loạn lo tiền học của tân sinh viên nghèo
- » Phụ nữ nghèo vùng sông nước Nam Bộ với việc phát triển kinh tế