Diện mạo mới trên vùng cao Đakrông
20 năm trước khi mới thành lập, điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của Đakrông gặp khó khăn vô vàn, thiếu thốn trăm bề, đặc biệt, tính đến cuối năm 2012 vẫn còn 2.900 hộ nghèo, chiếm 34,91% tổng số hộ trong toàn huyện. Nguyên nhân của tình trạng nghèo khó này chủ yếu do trình độ dân trí thấp (đồng bào dân tộc Pa Cô và Vân Kiều chiếm 80% trong tổng số 3,8 vạn dân), thiếu vốn, không có kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, tập quán sinh hoạt lạc hậu… Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan thuộc về ý thức của con người, vấn đề nghèo khó ở Đakrông còn bị chi phối bởi địa hình phức tạp, đồi núi dày đặc (tất cả 14/14 xã, thị trấn trong huyện đều ở trên núi cao bên dãy Trường Sơn và thuộc vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn), đất sản xuất ít, chiếm có 4,63% diện tích tự nhiên, bị gió Lào nóng bức, lũ quét thường xuyên đe dọa…
Căn cứ thực trạng tình hình đó, trên cơ sở Nghị quyết 30a của Chính phủ, những năm qua, huyện Đakrông đã triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững với những định hướng, những chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh lồng ghép các chương trình dự án như 134, 135, định canh định cư, tăng cường tập trung mọi nguồn lực từ vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, vốn ngân sách địa phương… nhằm tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đây cũng là động lực để huyện bứt phá, giảm nghèo một cách nhanh chóng và bền vững.
Điều đáng ghi nhận trong công cuộc giảm nghèo trên địa bàn vùng cao Đakrông có phần đóng góp tích cực, hiệu quả của các chương trình tín dụng ưu đãi. Những năm qua, NHCSXH đã mở các Điểm giao dịch về khắp 14/14 xã, thị trấn trong toàn huyện, kể cả các xã A Ngo, A Vao, Pa Nay cách xa trung tâm huyện tới 40km đường rừng, núi non hiểm trở, giúp người nghèo và đồng bào DTTS được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, cán bộ NHCSXH cũng gần gũi và sâu sát với nhân dân để thực hiện nhiệm vụ cho vay kịp thời, đúng đối tượng cũng như nắm rõ được việc sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Ông Hồ Văn Huy - Chủ tịch UBND xã A Vao cho biết: Nhờ có Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã mà số hộ dân có điều kiện thuận lợi chủ động trồng rừng, phát triển đàn gia súc gia cầm. Tỷ lệ hộ giàu, hộ khá giả cũng tăng nhanh, năm sau nhiều hơn năm trước. Chủ tịch A Vao còn dẫn chứng việc quản lý và sử dụng đồng vốn ưu đãi hiện nay đã được địa phương đặt ra rất cụ thể và có những giải pháp thực hiện hợp lý. Đơn cử là cả xã hiện có 1.218 hộ sử dụng hơn 10 tỷ đồng vốn ưu đãi đầu tư SXKD, xây dựng các công trình nước sạch nhà vệ sinh hợp lý, trong đó hơn 50% vốn vay được người dân nhận khoán chăm sóc rừng, bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó các hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn còn được vay vốn ưu đãi với lãi suất ưu đãi để khai hoang phục hóa đất trồng lúa, bắp, chăn nuôi trâu bò. Tiêu biểu gia đình anh Hồ Ai Can ở thôn PaLoang, xã Hướng Hiệp được vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo và hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn để đầu tư nuôi bò giống, lợn nái và đào mương dẫn nước về cấy lúa cao sản để đến nay có thu nhập gần 100 triệu đồng từ ruộng vườn, chuồng trại, cuộc sống được cải thiện rõ rệt.
Cũng ở nơi xa xôi bên dãy Trường Sơn này, gia đình chị Hồ Thị Lượng, người dân tộc Vân Kiều đã sử dụng 50 triệu đồng vốn ưu đãi xây dựng chuồng trại kiên cố, mua con giống tốt chăn nuôi lợn thịt, lợn nái để mỗi năm thu lãi ròng hàng chục triệu đồng. Chị còn vay vốn ưu đãi tham gia dự án “tăng cường năng lực lâm nghiệp” trồng được 6ha rừng tràm, mở rộng mô hình chăn nuôi gia trại. Từ sự năng động sản xuất với đồng vốn ưu đãi làm đòn bẩy, gia đình chị Lượng đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho biết: Để thực hiện tốt chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực huy động các nguồn vốn khác nhau, trong đó nguồn vốn ưu đãi đóng vai trò chủ lực cho sự nghiệp giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn miền núi. Rút kinh nghiệm từ các chương trình dự án trước đây, để đảm bảo nguồn vốn đầu tư đạt hiệu quả cao, huyện tập trung khâu tổ chức phân công, lồng ghép các nguồn vốn và ưu tiên bố trí đầu tư các chương trình kinh tế trọng điểm, chương trình xây dựng nông thôn mới và các thôn, xã, các gia đình còn khó khăn hơn nhằm thúc đẩy nền kinh tế - xã hội địa phương phát triển đồng đều, nhanh chóng.
Bài và ảnh Đông Xuân
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Góp phần xây dựng nông thôn mới Bạch Thông
- » Mường Lay ngày mới
- » Tín dụng chính sách tại Hậu Giang được triển khai hiệu quả
- » Mở lối làm giàu cho nông dân vùng khó
- » Hương Sơn mùa cắt “lộc”
- » Vốn vay ưu đãi tiếp sức cho thanh niên lập nghiệp
- » Đổi thay từ vốn vay ưu đãi ở Hòa Vang
- » Bệ đỡ thoát nghèo
- » “Phao cứu sinh” cho người nghèo
- » Phát triển kinh tế từ đồng vốn chính sách