Phát triển kinh tế từ đồng vốn chính sách

05/04/2017
(VBSP News) Thời gian qua, Hội CCB huyện Kim Động, (Hưng Yên) đã tập hợp, thu hút đông đảo hội viên tham gia nhiều hoạt động thiết thực trong lĩnh vực bảo vệ, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, một hoạt động khác cũng góp phần tạo nên uy tín của hội, gắn kết tâm nguyện các hội viên là vay và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để tập trung SXKD.
Ở Hưng Yên, hầu hết CCB nghèo đều được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Ở Hưng Yên, hầu hết CCB nghèo đều được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Nhận thức được việc nhận uỷ thác vay vốn ưu đãi là nhiệm vụ trọng tâm đối với phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế giỏi, nên Hội CCB nơi đây đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các hội, đoàn thể và NHCSXH thực hiện tốt việc kiểm tra, rà soát các gia đình hội viên có đủ điều kiện vay vốn để chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng địa chỉ, kịp thời vụ. Theo Chủ tịch Hội CCB huyện Kim Động Đào Minh Trinh, tính đến nay dư nợ nhận ủy thác của NHCSXH đạt trên 30 tỷ đồng, cho 2.100 hộ vay, trong đó hội viên CCB chiếm 2/3, với 62% tổng số tiền vay. Đặc biệt không có người dân và hội viên nào để nợ quá hạn.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hội viên CCB tại 17 xã, thị trấn trong huyện Kim Động có điều kiện chủ động đầu tư phát triển SXKD, lựa chọn xây dựng được những mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả. Gia đình ông Dương Văn Dũng ở xã Chính Nghĩa từng được NHCSXH cho vay vốn nay đã trở thành gia đình làm kinh tế giỏi, thoát nghèo bền vững, lập được trang trại nuôi trên 20 con lợn nái và cải tạo 3500m2 ruộng trũng thành ao thả cá. Hộ CCB Lê Văn Thịnh ngụ tại thôn 3 xã Phú Thịnh đã sử dụng vốn vay của NHCSXH chăn nuôi vịt đẻ trứng và chăm sóc khu vườn rau sạch, đạt thu nhập ổn định bình quân 8 triệu đồng/tháng.

Nhưng điển hình nhất, được nhiều người dân địa phương biết đến là CCB Đỗ Minh Tắp ở thôn Mua. Với 2 lần vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng hộ nghèo và giải quyết việc làm thông qua Hội CCB xã Vũ Xá, cộng với số tiền vay thêm của người thân, ông Tắp đã chọn cho mình một mô hình kinh tế hoàn toàn mới là chăn nuôi đặc sản ba ba, kỳ đà. Sau nhiều năm lao động cần cù, nhiệt tình và áp dụng KHKT đúng cách, đến nay cơ ngơi của ông Tắp đã có 300 con ba ba, 60 con kỳ đà và 12 con trăn, trừ các chi phí hằng năm gia đình ông thu về tới 60 triệu đồng. “Rời quân ngũ, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham gia sinh hoạt Hội CCB, tôi được vay vốn ưu đãi thuận lợi. Cùng với đó còn được hội trang bị cho những kiến thức về phát triển kinh tế, tạo đà cho sự thành công của ngày hôm nay. Nay kinh tế gia đình khá giả, tôi lại có điều kiện giúp đỡ anh em đồng đội cũ và hội viên trong thôn, xóm về giống và kỹ thuật chăn nuôi”, ông Tắp tâm sự.

Nhiều mô hình kinh tế giỏi của CCB đều có xuất phát điểm từ vốn vay chính sách

Nhiều mô hình kinh tế giỏi của CCB đều có xuất phát điểm từ vốn vay chính sách

Được biết, để giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, Hội CCB các cấp tại Kim Động đã nắm được những tâm tư, nguyện vọng của các hội viên vốn giàu nhiệt huyết, giàu bản lĩnh, không ngại khó, ngại khổ nhưng lại thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Từ đó, các cấp hội đã nghiên cứu tìm hướng đi và “vào cuộc”, nhất là chú trọng thực hiện công tác uỷ thác vay vốn ưu đãi, giúp hội viên vay vốn thuận lợi và mạnh dạn sử dụng vốn vay lồng ghép với công tác khuyến nông, khuyến ngư, ứng dụng KHKT vào sản xuất, mở mang ngành nghề. Nhờ vậy mà tỷ lệ hội viên CCB nghèo giảm từ 2,8% năm 2011, nay giảm xuống còn 0,54%. Toàn huyện hiện có tới 50 hộ CCB thu nhập trên 60 triệu đồng/năm.

Trong năm nay, Hội CCB huyện Kim Động sẽ phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác tuyên truyền đến từng hội viên các thông tin liên quan đến tín dụng ưu đãi, thực hiện tốt công tác khuyến nông, chuyển giao KHKT và nhân rộng các mô hình sử dụng vốn vay đầu tư vào sản xuất đạt hiệu quả, xóa nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Quốc Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác