Tín dụng chính sách trên vùng đất xứ Quảng

15/02/2016
(VBSP News) Việc thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho thấy người dân có điều kiện mở rộng sản xuất, tạo việc làm và có thu nhập ổn định hơn; đồng thời góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 24,1% năm 2010 xuống còn 9% vào cuối năm 2015, bình quân mỗi năm giảm hơn 2,8%.
Từ sự hỗ trợ về vốn của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam có điều kiện phát triển mây, tre đan xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động địa phương

Từ sự hỗ trợ về vốn của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam có điều kiện phát triển mây, tre đan xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động địa phương

Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam Nguyễn Quang Dinh, cho biết: “Thời gian qua, chi nhánh đã tập trung vào những hoạt động trọng tâm là tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới đây là hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Song song với việc tranh thủ nguồn vốn từ TW chuyển về, NHCSXH tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh chuyển một phần vốn ngân sách địa phương sang để bổ sung nguồn vốn chính sách cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Năm 2015, 18 huyện, thị xã đã dành 11 tỷ đồng để chuyển sang NHCSXH cho vay, nâng tổng số tiền ngân sách đến nay là hơn 88 tỷ đồng”.

Cùng với đó, ngân hàng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, chủ động chuẩn bị nguồn vốn giải ngân theo kế hoạch được giao. Các tổ chức hội, đoàn thể đã chú trọng việc củng cố, kiện toàn hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong năm đã thực hiện kiện toàn 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, chất lượng hoạt động của tổ được nâng lên, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của hộ vay được quan tâm.

Đến nay, thông qua 4.108 Tổ tiết kiệm và vay vốn trải đều khắp thôn, bản, khu dân cư, NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã thực hiện cho vay trên 3.300 tỷ đồng với 15 chương trình tín dụng ưu đãi và 152 nghìn hộ còn dư nợ. Từ nguồn vốn vay, nhiều mô hình kinh tế vườn rừng, kinh tế gia trại ở huyện Tiên Phước đã phát triển bền vững, đạt thu nhập bình quân mức 80 - 100 triệu đồng/năm, như dự án vay trồng cao su tiểu điền tại huyện Hiệp Đức, trồng cây keo tại Tiên Phước, Bắc Trà My, Quế Sơn, chăn nuôi tại huyện Duy Xuyên, Điện Bàn.

Tiêu biểu có dự án trồng keo lá tràm của hộ ông Nguyễn Văn Sự, ngụ thôn 5A, xã Tiên Cảnh. Gia đình ông Sự đã sử dụng số tiền vay từ chương trình tín dụng hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn và Dự án phát triển ngành lâm nghiệp trồng được 5ha keo lá tràm trên vùng đất sỏi hoang hóa. Nhờ dày công chăm sóc rừng cây xanh tốt đã cho gia đình ông Sự khai thác gỗ thu nhập gần 400 triệu đồng. Phấn đấu trước thành quả lao động, ông hoàn trả hết các khoản vay ngân hàng và quyết định dùng toàn bộ số tiền lãi có được từ nghề rừng để mở rộng diện tích vườn cây giống lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất của bà con trong làng, ngoài xã.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, Phùng Văn Huy cho biết: “Thời gian qua, toàn huyện đã tích cực triển khai các nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng và Chỉ thị 48 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm, phân công thành viên phụ trách địa bàn và tập trung kiểm tra chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, Điểm giao dịch lưu động; chỉ đạo UBND xã kịp thời rà soát bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chỉ đạo của Chính phủ; quan tâm xử lý triệt để nợ quá hạn”.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể qua các năm, song đáng nói là tỷ lệ nghèo ở 9 huyện miền núi của Quảng Nam vẫn còn quá cao so với khu vực đồng bằng và toàn tỉnh, dự kiến tỷ lệ là 32% vào cuối năm 2015, đó là chưa kể, còn những hộ nghèo vươn lên cận nghèo nhưng do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, việc làm không ổn định nên rất dễ rơi vào trường hợp tái nghèo. Để công tác giảm nghèo ở Quảng Nam thực sự bền vững và đồng đều đòi hỏi phải tăng cường đầu tư hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp, các ngành.

Bài và ảnh Lê Diệu Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác