Phụ nữ vùng cao biên giới quản lý tốt nguồn vốn uỷ thác

05/12/2014
(VBSP News) Nếu như toàn xã Mường So đang đứng đầu bảng về tổng dư nợ với NHCSXH huyện Phong Thổ (Lai Châu) trên 30 tỷ đồng, thì Hội Phụ nữ của xã đã nhận uỷ thác vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, thông qua 10 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 418 hộ vay gần 12 tỷ đồng và tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, dưới 0,04%. Đây là thành tích đáng ghi nhận ở một xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn như Mường So.
Từ nguồn vốn ưu đãi nhiều hội viên phụ nữ nghèo đã đầu tư chăn nuôi bò thịt, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ nguồn vốn ưu đãi nhiều hội viên phụ nữ nghèo đã đầu tư chăn nuôi bò thịt, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường So, chị Lò Thị Đối cho biết: Ngay từ đầu năm, hội đã liên hệ trực tiếp với ngân hàng, in sao bảng biểu, thống kê danh sách các hội viên vay vốn đến hạn trả nợ trong quý, trong năm để theo dõi. Vào cuộc họp giao ban định kỳ trong tháng với các Tổ tiết kiệm và vay vốn, căn cứ vào danh sách đó, lãnh đạo hội thông báo kịp thời số hội viên vay chuẩn bị đến hạn trả trước 3 tháng để Ban quản lý tổ nắm được, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở hộ vay trả nợ. Đối với trường hợp khó khăn, cán bộ hội cũng như Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực tuyên truyền, vận động họ thu xếp trả nợ rồi xem xét điều kiện để cho vay lại, vay tiếp đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, mở mang ngành nghề.

Bên cạnh việc đôn đốc nhắc nhở hộ vay trả nợ, thì quy trình xét duyệt hộ vay ở Mường So rất chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng. Việc làm đó nhằm giúp Hội Phụ nữ quản lý tốt nguồn vốn uỷ thác. Trong quá trình này, cán bộ hội tiếp cận hộ vay vốn giải thích đầy đủ cách vay, cách trả nợ, nộp lãi để hộ vay vốn hiểu rõ, sau đó mới đưa ra Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét công khai, dân chủ. Nhờ đi trước một bước nên hầu hết các hội viên vay vốn đều được UBND xã và NHCSXH huyện xét duyệt. Hộ vay cũng sử dụng vốn hiệu quả và nêu cao ý thức trả nợ, trả lãi đúng hạn. Điển hình là chị Ka Thị Thu ở bản Khuổi Bảo vay vốn hộ nghèo để nuôi trâu sinh sản, trong thời gian chăn nuôi, chị không ngừng học tập kinh nghiệm qua sách báo, xem ti vi đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch định kỳ. Sau 1 năm, con trâu được chăm sóc tốt nên đã sinh ra 1 con nghé khỏe mạnh. Từ kết quả bước đầu, gia đình chị Thu tiếp tục mở rộng chuồng trại, tăng số lượng trâu nuôi thương phẩm, vừa trả hết nợ vay của ngân hàng, vừa dư dật tiền nong đầu tư đào ao thả cá và mở cửa hàng bán vật tư phân bón vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con trong xã. Cùng hoàn cảnh trước đây nghèo khó, chị Lò Thị Sanh ở bản Huổi Én còn được vay vốn ưu đãi hộ nghèo để nuôi lợn nái, lợn thịt. Nhờ vốn vay ưu đãi kinh tế phát triển gia đình chị Sanh đã trả trước hạn toàn bộ vốn vay của ngân hàng, lại còn mua sắm máy cày đất, mở dịch vụ xay sát lương thực, làm giàu giữa vùng rừng núi xa xôi.

Giám đốc NHCSXH huyện Phong Thổ Nguyễn Thanh Hà, ghi nhận: Các cán bộ Hội Phụ nữ xã cũng như Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Phụ nữ xã Mường So quản lý đều nắm khá vững nghiệp vụ quản lý vốn tín dụng chính sách, bình xét cho vay rất đúng đối tượng, thường xuyên kiểm tra hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn chính sách, tạo điều kiện cho người dân có vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo, góp phần nâng cao uy tín của hội, cùng toàn xã hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Lê Diệu Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác