Phát triển bền vững NHCSXH - một số vấn đề lý luận và thực tiễn

12/10/2014
(VBSP News) Bền vững trong phát triển là mục tiêu của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp và thậm chí là mỗi cá nhân, gia đình,.. NHCSXH là một TCTD, hình thành trong công cuộc đổi mới nền kinh tế, tồn tại song song với các Ngân hàng thương mại và TCTD phi ngân hàng khác cũng không nằm ngoài mục tiêu đó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phát triển bền vững chính là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu ở hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau. Quan điểm này của Liên hợp quốc cũng là quan điểm chung nhất, được thừa nhận rộng rãi nhất trên thế giới ngày nay.

Mục tiêu phát triển ngày nay phải là nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống của loài người tạo nên cuộc sống cân bằng và bình đẳng giữa các thành viên. Quá trình thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững cũng chính là quá trình hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Như vậy, phát triển bền vững không chỉ đơn thuần là duy trì sự phát triển một cách liên tục, ổn định, mà hơn thế nữa là sự nỗ lực nhằm đảm bảo được sự bền vững trên mọi lĩnh vực trong quá trình phát triển. Phát triển bền vững là quá trình duy trì sự cân bằng giữa những nhu cầu của con người với tính công bằng xã hội, sự phồn vinh, chất lượng cuộc sống và tính bền vững của môi trường.

Đó là những quan niệm chung về sự phát triển, còn trên góc độ ngân hàng thì phát triển bền vững là một ngân hàng hoạt động để đạt được mức sinh lời theo yêu cầu của các chủ sở hữu trong trạng thái an toàn. Ngân hàng cần phải duy trì được sự cân bằng giữa khả năng sinh lời và mức độ an toàn trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, hoạt động của ngân hàng cần phải phục vụ lợi ích của khách hàng.

Tính phổ biến của NHCSXH tại hầu hết các nước trên thế giới, đó là một định chế tài chính của Nhà nước, hoạt động với mục đích phi lợi nhuận, tức không vì mục tiêu kinh doanh, song phải bảo toàn được vốn và phải đảm bảo được các mục tiêu xã hội mà Quốc hội hay Chính phủ quốc gia đó đề ra. Mục tiêu xã hội đó, thường là: Giảm nghèo, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, khắc phục thiên tai, cải thiện đời sống cho các vùng khó khăn và đồng bào thiểu số, di dân, hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng. Tùy theo điều kiện từng nước mà nhấn mạnh nhóm mục tiêu nọ hay nhóm mục tiêu kia, song thường là có tính chất tổng hợp các yêu cầu an sinh xã hội. Có thể thấy, NHCSXH bền vững là ngân hàng đạt được các mục tiêu hoạt động, phát triển liên tục, bảo toàn và gia tăng vốn, đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý và có hiệu quả của khách hàng, góp phần giải quyết các chính sách xã hội của quốc gia.

Về mặt định tính, một NHCSXH phát triển bền vững thì không chỉ tính đến các yêu cầu phát triển riêng của bản thân ngân hàng. Nếu như khách hàng vay vốn không nâng cao được năng lực, nâng cao hay cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt, làm ăn,… sau một hay một số chu kỳ vay vốn thì chưa phải là sự phát triển bền vững của NHCSXH. Hơn thế nữa, các mục tiêu xã hội của nền kinh tế, như: Giảm nghèo, tạo việc làm mới và nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường… không đạt được thì hoạt động của NHCSXH hầu như không có ý nghĩa. Như vậy sự phát triển bền vững của một NHCSXH đó là đáp ứng được các yêu cầu tồn tại và phát triển của bản thân ngân hàng, của khách hàng và yêu cầu chính sách xã hội của quốc gia.

Về mặt định lượng, có thể thấy sự tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước về: Quy mô nguồn vốn hoạt động, dư nợ cho vay, số lượng khách hàng; tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn cho phép. Đối với người vay vốn, cải thiện được điều kiện làm ăn, điều kiện sống, thu nhập, việc làm, dân trí, tay nghề,… hoàn trả vốn vay và các yêu cầu tài chính khác theo cam kết. Đối với nền kinh tế, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm, tỷ lệ việc làm mới gia tăng hay tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm; điều kiện sinh sống của người dân ở vùng thiên tai, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xã. Vấn đề bảo vệ môi trường có chuyển biến.

Một số tiêu chí đối với nền kinh tế cần phải đánh giá trong trạng thái động, cụ thể như: Tiêu chí hộ nghèo được nâng lên so với mặt bằng chung về phát triển kinh tế, thu nhập quốc dân bình quân đầu người; việc làm mới tạo ra gắn liền với tốc độ tăng dân số,….

Hướng tới phát triển bền vững NHCSXH, vấn đề đầu tiên là phải giải quyết một cách cơ bản, ổn định nguồn vốn hoạt động của NHCSXH, bởi vì ngân hàng này không thể cạnh tranh bình đẳng huy động vốn trên thị trường như các Ngân hàng thương mại khác mà phải có cơ chế đặc thù. NHCSXH thực hiện vay từ NHNN trên cơ sở kế hoạch nguồn vốn hàng năm của NHCSXH đã được Bộ Tài chính thông qua. Vì NHNN là ngân hàng của các ngân hàng, do vậy NHCSXH khi cần thiết cũng có thể vay từ NHNN. Đây là nguồn vốn quan trọng của NHCSXH, cần được tổng kết, đánh giá kênh nguồn vốn này trong thời gian qua để có thể đảm bảo ổn định trong thời gian tới. Hay tính toán trên cơ sở kế hoạch nguồn vốn hàng năm của NHCSXH trừ đi các nguồn vốn khác, thì còn lại được cân đối từ nguồn này.

Bên cạnh đó, vay các tổ chức tài chính tín dụng trong nước cũng như các ngân hàng khác, việc NHCSXH vay các tổ chức tài chính, tín dụng khác trong nước được quy định trong điều lệ, việc vay vốn thực hiện khi có nhu cầu, vay từng lần và phải đưa vào kế hoạch huy động vốn hàng năm của NHCSXH đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Việc vay vốn trên cơ sở thỏa thuận, lãi suất trả cho khoản vốn vay này trên nguyên tắc thỏa thuận nhưng theo quy định của Bộ Tài chính: Lãi suất vay không vượt quá lãi suất tối đa cùng kỳ hạn của các Ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn. Thực tế cho thấy, kênh vay vốn này cũng có những khó khăn nhất định và không thể trông chờ có tính chất ổn định lâu dài được.

Trường hợp NHCSXH vay từ Tiết kiệm Bưu điện, Bảo hiểm xã hội: Lãi suất tiền vay do Bộ Tài chính quy định từng lần. Hiện nay Tiết kiệm Bưu điện đã sáp nhập vào Lienviet Post Bank nên kênh này không còn khả năng vay. Vay từ kênh Bảo hiểm xã hội cần được đánh giá và cân đối chủ động hàng năm. Đồng thời nên tính toán vay mới từ kênh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Đây là nguồn vốn khá quan trọng.

Nguồn vốn huy động của người nghèo vay vốn. Đối với đối tượng là người nghèo vay vốn, NHCSXH không cho vay từng cá nhân hộ nghèo riêng lẻ mà thực hiện cho vay trực tiếp đến hộ thông qua các tổ Tiết kiệm và vay vốn, có nghĩa là hộ nghèo muốn vay vốn phải tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương. Các tổ do cộng đồng dân cư tự nguyện thành lập theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, được chính quyền cơ sở cho phép thành lập và hoạt động. Nguồn vốn này tỷ trọng nhỏ, nên không phải kênh huy động vốn chủ đạo.

Ngoài việc thực hiện huy động vốn, NHCSXH còn tiếp nhận các nguồn vốn từ Chính phủ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dưới hình thức vốn nhận ủy thác. Việc nhận vốn ủy thác thường thực hiện thông qua ký kết các văn bản thỏa thuận trong đó nêu rõ: Số tiền ủy thác, địa bàn cho vay, đối tượng cho vay, lãi suất và điều kiện cho vay, mức phí ủy thác, thời gian ủy thác, xử lý rủi ro. Về bản chất đây là nguồn vốn mà NHCSXH nhận ủy thác cho vay, hưởng phí dịch vụ. Do vậy, nó mang tính tự nguyện giữa hai bên, tùy thuộc vào chính sách và điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, mỗi tổ chức, nên không có tính chất ổn định, cần được đánh giá hoạt động nhận ủy thác thời gian qua của NHCSXH để có đề xuất mới, hiệu quả cho thời gian tới.

Thứ hai, về mở rộng mới các chương trình và dự án tín dụng chính sách xã hội. Hiện nay có rất nhiều chương trình, dự án, do các Bộ ngành khác nhau phụ trách, triển khai từ nguồn vốn ngân sách đầu tư cho người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào thiểu số, vùng thiên tai,… cần có sự đánh giá tổng thể, tránh chồng chéo, chuyển dần và chuyển từng phần qua kênh tín dụng chính sách.

Xây dựng các chương trình, dự án mới, mở ra các đối tượng mới hưởng thụ tín dụng chính sách, nhất là các chương trình về ứng dụng tiến bộ KHKT, hộ gia đình chính sách ở đô thị, gia đình công nhân thiếu nhà ở trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; nhà ở cho giáo viên miền núi, dự án xử lý nước thải và chất thải bảo vệ môi trường; các doanh nghiệp thực hiện các dự án xã hội, dự án chính sách, dự án ở vùng thiên tai.

TS. Hà Thị Sáu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác