Ngô - cây thoát nghèo ở Võ Nhai

22/09/2014
(VBSP News) Võ Nhai là huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên, có 8 dân tộc cùng sinh sống, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng rừng. Từ nhiều năm nay cây ngô lai đã gắn bó với đồng bào dân tộc nơi đây, là sản phẩm nông nghiệp quan trọng giúp người dân giảm nghèo.
Nông dân Võ Nhai chăm sóc ngô

Nông dân Võ Nhai chăm sóc ngô

Được trồng trên đồng đất Võ Nhai từ năm 1995, nhưng phải đến năm 2006, cây ngô lai mới được trồng đại trà ở huyện vùng cao này. Nếu như năm 1996, toàn huyện trồng được 800ha ngô (chỉ có 5ha ngô lai), năng suất 17 - 20 tạ/ha, thì đến năm 2006 diện tích ngô tăng lên 3.200ha (2.240ha ngô lai). Từ năm 2010 đến nay, Võ Nhai chủ yếu trồng ngô lai, với diện tích trên 6.500ha/năm (lúa khoảng 4.800ha/năm), năng suất 42 - 45 tạ/ha, sản lương bình quân đạt trên 30.000 tấn, chiếm gần 60% tổng sản lượng cây lương thực có hạt của huyện. Ông Đặng Văn Đức - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Để cây ngô lai khẳng định được vị thế như ngày nay là cả một quá trình lâu dài. Năm 1995, thực hiện Nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây ngô lai, ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng các ô mẫu để người dân “trăm nghe không bằng một thấy” và mạnh dạn làm theo. Mặc dù, cây ngô lai đã sớm khẳng định ưu thế vượt trội về năng suất và hiệu quả kinh tế so với các loại cây trồng khác ở địa phương, nhưng do thói quen và tập quán canh tác nên phải mất 10 năm người dân mới từ bỏ các giống ngô truyền thống để chuyển sang trồng ngô lai. Điều đáng mừng nhất là ở các vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc các xã Dân Tiến, Phương Giao, Thần Sa, Thượng Nung… bà con đã thay thế hoàn toàn các giống ngô truyền thống bằng các giống ngô lai cho năng suất cao. Ông Trương Văn Pai - Bí thư chi bộ xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá cho biết: Trước đây đồng bào Mông chỉ trồng giống ngô nếp, ngô đỏ năng suất thấp nên đời sống rất khó khăn. Vài năm trở lại đây cùng với NHCSXH tăng cường đầu tư, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống ngô lai vào trồng. Cây ngô lai dễ trồng, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn những cây trồng khác, như đậu tương, mía, sắn… nên 100% số hộ trong xóm đều trồng ngô lai. Nhờ vậy, nhiều hộ đã thoát nghèo, xây dựng được nhà mới, mua xe máy và nhiều tiện nghi sinh hoạt.

Xã Tràng Xá là vùng trọng điểm ngô của huyện, nhiều hộ thu được hàng chục tấn ngô/năm, thu lãi trên 100 triệu đồng. Gia đình chị Lê Thị Tươi, ở xóm Làng Tràng trồng 12kg ngô giống. Nhờ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH mua giống, phân bón, thời tiết thuận lợi, với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg ngô hạt, gia đình chị thu được gần 20 triệu đồng tiền lãi, cùng với chăn nuôi gà, gia đình đã thoát nghèo và nuôi các con ăn học trưởng thành. Không có con số tách bạch cho vay trồng ngô, nhưng theo chị Chu Thị Nụ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tràng Xá, hội có khoảng 1.000 hội viên, trong đó có đến 80% được vay vốn NHCSXH, với dư nợ khoảng 9 tỷ đồng (trung bình mỗi chị em vay 20 triệu đồng) để đầu tư phát triển kinh tế. Không chịu thua kém chị em phụ nữ, Đoàn Thanh niên Tràng Xá cũng đang quản lý 7,5 tỷ đồng vốn vay NHCSXH, tạo ra một số mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp tiêu biểu của thanh niên trở thành điểm sáng của xã.

Theo lãnh đạo huyện Võ Nhai, trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện có trên 2.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH với tổng số tiền từ 45 - 50 tỷ đồng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014, NHCSXH huyện đã giải ngân gần 20 tỷ đồng cho khoảng 800 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn vay. Đây là trợ lực rất lớn để những năm gần đây ngô trở thành cây trồng mũi nhọn, cây hàng hóa quan trọng, giúp bà con các dân tộc ở huyện vùng cao Võ Nhai giảm nghèo hiệu quả, phát triển kinh tế hàng hóa.

Bài và ảnh Minh Quốc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác