Hiệu quả từ cho vay NS&VSMTNT ở Khánh Hòa
Những công trình sạch đẹp
Trước đây, gia đình chị Lê Thị Hoa ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vẫn phải dùng nước giếng khơi. Năm 2010, được vay 8 triệu đồng, cùng vốn tự có, gia đình đã xây dựng được công trình đồng bộ, khép kín gồm: Nhà tắm, nhà vệ sinh, bể lọc nước, bể chứa nước, giếng khoan và xây dựng được hệ thống biogas tận dụng chất thải trong chăn nuôi làm khí đốt. Chị Hoa chia sẻ: “Nhờ tiếp cận nguồn vốn, gia đình tôi không còn lo thiếu nước, không sợ nước bẩn. Nước giếng khoan được lấy ở độ sâu 70m bơm lên bể cát lọc rồi chảy xuống bể chứa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Không chỉ vậy, gia đình tôi còn chăn nuôi thêm 40 con lợn, xây dựng hệ thống biogas tận dụng chất thải trong chăn nuôi làm khí đốt”.
Huyện Diên Khánh có nghề làm bánh tráng truyền thống rất phát triển. Bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng ô nhiễm môi trường do các chất thải từ nghề và làng nghề đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Những năm gần đây, các hộ dân trong làng nghề bánh tráng đã khắc phục đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, song nước sạch vẫn là một trong những nhu cầu thiết yếu đối với người dân nơi đây.
Đến thăm gia đình ông Huỳnh Văn Tuệ ở xã Diên Lạc - một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, ông cho biết: “Trước kia gia đình dùng nước giếng khơi, rồi chuyển sang dùng giếng khoan. Dù đã lọc nhiều lần nhưng nguồn nước vẫn không bảo đảm vệ sinh do bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các chất thải từ làng nghề”. Năm 2011, gia đình ông Tuệ được vay 8 triệu đồng, cùng kinh phí tự có, gia đình đã xây dựng được khu vệ sinh khép kín gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, bể chứa nước. Khu vệ sinh được cải tạo, nước sạch đến tận nhà, chất lượng sinh hoạt được nâng lên, sức khỏe bảo đảm hơn.
Cách đó không xa, gia đình chị Hoàng Thị Hương cũng xây dựng được khu vệ sinh khép kín rộng rãi, sạch sẽ. Vừa nghiền xong thùng bột để làm bánh tráng, chị Hương chỉ cho chúng tôi khu vệ nhà sinh khép kín được ốp gạch men sáng bóng của gia đình còn mùi vôi vữa. Trước đây, gia đình chị phải lọc nước giếng khoan và nước mưa để dùng, thế nhưng được NHCSXH cho vay, cùng với số tiền tích cóp, gia đình chị đã lắp đặt đường ống dẫn nước sạch, xây dựng khu vệ sinh rộng trên 20m2.
Chính sách hợp lòng dân
Trước thực trạng mức vốn vay tối đa 8 triệu đồng/hộ cho cả 2 chương trình thì nay không đủ chi phí để làm công trình nước sạch và vệ sinh. Để tiếp tục phát huy tác dụng và hiệu quả hơn nữa, Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh nâng mức cho vay chương trình này từ 4 triệu đồng/công trình/hộ lên 6 triệu đồng/công trình/hộ vay kể từ ngày 01/5/2014. Bên cạnh đó, đối tượng vay vốn chương trình cũng được mở rộng. Các hộ gia đình ở nông thôn có nhu cầu xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình sẽ được xem xét giải quyết. Chỉ tính riêng trong tháng 6/2014 triển khai, NHCSXH tỉnh Khánh Hoà đã giải ngân được hơn 19 tỷ đồng, với trên 3.900 công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh được đầu tư xây dựng, nâng cấp.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Sơn Hải, cho biết: “Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh nâng mức cho vay vốn thời điểm hiện nay là hợp lý, hợp lòng dân, góp phần không nhỏ để các hộ gia đình chưa có công trình nước sạch, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn có điều kiện được tiếp cận để đầu tư nâng cấp. Đây cũng là một động lực thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Khánh Hòa sớm được về đích…”.
Bài và ảnh Nguyễn Văn Giang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Điểm tựa vững chắc để làm giàu
- » Tăng mức vay - thêm cơ hội thoát nghèo bền vững
- » Hiệu quả chương trình 30a ở Như Xuân
- » Nghệ An xóa “trắng” Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở Đoàn
- » Khánh Hòa cho hộ cận nghèo vay vốn
- » Đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân ở Bắc Giang
- » Mang no ấm về vùng sâu
- » Đô Lương - Hiệu quả vốn vay ưu đãi
- » Cầu nối đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo