Vốn nhỏ vẫn biết cách làm giàu

26/07/2014
(VBSP News) Xuất phát từ đặc điểm một tỉnh miền núi mới chia tách từ năm 2004, kinh tế kém phát triển, sản xuất vẫn mang tính tự cấp tự túc, đời sống đồng bào dân tộc còn nhiều nghèo khó nên trong những năm qua, cùng với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Hội CCB tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh việc thực hiện uỷ thác giúp hội viên vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.
Các hội viên CCB cùng nhau trao đổi cách thức làm ăn

Các hội viên CCB cùng nhau trao đổi cách thức làm ăn

Cụ thể là các cấp Hội CCB tỉnh Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức về công tác tín dụng chính sách cho 100% cán bộ hội cơ sở và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Đến nay, đã có trên 103 Hội CCB cấp xã và 260 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn từ ven đô thị cho đến vùng sâu, vùng xa đều nắm vững nghiệp vụ uỷ thác, phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy triển khai cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với đó, Hội CCB các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Mường Tè, Phong Thổ… còn làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc nhận uỷ thác vốn vay ưu đãi của NHCSXH, đảm bảo việc quản lý và nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi… Nhờ vậy, hơn 11 năm qua, Hội CCB tỉnh Lai Châu đã quản lý 180 tỷ đồng cho 8.800 hộ hội viên vay. Nợ quá hạn chưa đến 0,8%. Bên cạnh đó, với dư nợ 2 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm còn giúp cho Hội CCB các cấp xây dựng 46 dự án sản xuất vật liệu xây dựng, chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản… giải quyết việc làm cho 320 lao động là hội viên và con em CCB.

Từ đồng vốn ưu đãi, nhiều hội viên CCB trong tỉnh Lai Châu đã đầu tư sản xuất, phát triển được 179 trang trại mới, bình quân mỗi trang trại thu trên 20 triệu đồng/năm; chăn nuôi được 4.725 con trâu, bò, nâng đàn gia súc thương phẩm lên 17 nghìn con, trồng mới hàng trăm ha cao su, thâm canh 298ha thảo quả, năm qua thu gần 120 tấn, trị giá ngót 10 tỷ đồng…

Ở Lai Châu, nguồn vốn chính sách còn tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của các hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn, tiêu biểu như Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Ngà, xã Mường Then, huyện Than Uyên do Hội CCB quản lý được thành lập năm 2008 với 34 thành viên tham gia, tổng nguồn vốn được vay hơn 560 triệu đồng. Tổ trưởng Cần Văn Luyến cho biết: hoạt động của tổ được duy trì sinh hoạt theo đúng quy chế đã xây dựng, thông qua đó phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và NHCSXH, bình xét các đối tượng cho vay. Công tác kiểm tra hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã được Hội CCB phối hợp với NHCSXH huyện tiến hành thường xuyên. Nhờ vậy, mọi việc làm của tổ được chấp hành đúng với quy chế, nội dung sinh hoạt, sổ sách thu nộp lãi và tiền gửi tiết kiệm của các thành viên đảm bảo đều đặn, đúng, đủ, không có nợ quá hạn, cứ 3 tháng tổ chức đối chiếu tới các hộ vay vốn một lần, từ đó các hộ vay rất tin tưởng. Hiện, Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Ngà có 51 thành viên tham gia với tổng số tiền vay lên tới 900 triệu đồng.

Theo ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lai Châu: thông qua nguồn vốn ưu đãi, nhiều hội viên CCB có điều kiện xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, nhất là hội viên sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hội viên là người dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Hội CCB tỉnh Lai Châu cũng sẽ quan tâm đẩy mạnh kiểm tra, quản lý vốn vay để tạo điều kiện cho hội viên được vay vốn đúng đối tượng và hiệu quả.

Bài và ảnh Văn Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác