“Thắng” ngay vụ đầu
Ông Nguyễn Thành Lưu - Phó trưởng Trạm khuyến nông huyện Đức Phổ cho biết, tháng 4/2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi, ông Văn Công Thanh (62 tuổi) thả nuôi 12.500 con hàu Thái Bình Dương, trọng lượng bình quân 95 con/kg, trên diện tích thử nghiệm 50m2, mật độ 250 con/m2. Hàu được thả nuôi trong lồng bằng tre, đặt dưới chân cầu Thạnh Đức - nơi kín gió, độ mặn cao, có nguồn nước lên xuống thường xuyên, ổn định quanh năm, tàu thuyền ít qua lại, độ sâu 4m.
Nhờ môi trường nuôi phù hợp, hàu phát triển nhanh. Sau 6 tháng thả nuôi, thu hoạch đạt kết quả khả quan: trọng lượng bình quân đạt 12 con/kg, tỷ lệ sống đạt trên 65%, sản lượng hàu thu được 677kg. Với giá bán hiện nay 32.000 đồng/kg, ông Thanh thu được 21,6 triệu đồng, sau khi trừ chi phí người nuôi còn lãi gần 7,5 triệu đồng (tương đương 1,5 tỷ đồng/ha). Ông Thanh hồ hởi thông báo: “Như vậy là tôi đã “thắng” ngay từ vụ đầu. Được Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, huyện hỗ trợ con giống; được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng từ hộ cận nghèo, ngoài mua ngư lưới cụ cho con ra khơi, tôi mua tre, nứa, gỗ đóng giàn bè, lồng, rổ để thả hàu. Ưu điểm lớn nhất là nuôi hàu không phải tốn thức ăn như nuôi cá, tôm. Thức ăn của hàu có sẵn trong nước, như rong, tảo, mùn bã hữu cơ. Nuôi hàu rất dễ, chỉ tốn công làm vệ sinh. Nếu làm tốt khâu này hàu sẽ lớn rất nhanh. Một vốn cho 4 - 5 lời, lại không lo rủi ro. Mới chỉ thành công từ một vụ nuôi, tôi đã có đối tác đặt hàng lâu dài tại Khánh Hòa. Như vậy là nuôi hàu cả đầu vào và đầu ra đều thuận lợi”.
Theo Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi, trước Phổ Thạnh hàu Thái Bình Dương cũng đã được nuôi thử nghiệm thành công ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn. Từ những thành công bước đầu cho thấy, hàu có khả năng thích nghi và phát triển tốt tại vùng biển xã Phổ Thạnh. Ông Nguyễn Duy Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho rằng: Đây là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng trên địa bàn xã do mức đầu tư thấp, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi của địa phương, góp phần xóa nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn của người dân là chưa nắm được kỹ thuật nuôi cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhân rộng mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương, lãnh đạo xã Phổ Thạnh sẽ khảo sát và quy hoạch vùng nuôi phù hợp; đồng thời, khảo sát thị trường để mô hình phát triển bền vững.
Hàu Thái Bình Dương có nguồn gốc từ Nhật Bản. Là một loại ăn lọc (nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên), tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng phân bổ rộng. Hiện nay, hàu Thái Bình Dương đã được nuôi ở 64 nước trên thế giới. Ở Việt Nam, giống hàu này đã có nhiều nơi nuôi thành công như ở Huế, Quảng Ninh… Huyện Đức Phổ có chiều dài bờ biển hơn 40km, dọc theo bờ biển có 2 cửa biển lớn Mỹ Á và Sa Huỳnh là điều kiện thuận lợi để nuôi hàu Thái Bình Dương.
Theo các nhà chuyên môn, hàu có thị trường tiêu thụ rộng cả trong nước và thế giới. Thịt hàu Thái Bình Dương là loại thực phẩm quý, có giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất kẽm, chất béo thấp, không chứa các cholesterol xấu; hàu còn có giá trị trong y học như giúp làm giảm nguy cơ tim mạch, tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Ngoài ra, hàu còn có chức năng lọc mùn bã hữu cơ trong nước, giúp làm sạch môi trường và ổn định hệ sinh thái, thích hợp để nuôi cá lồng trên biển và nuôi tôm trong vùng ven biển.
Theo ông Nguyễn Thành Lưu - Phó trưởng Trạm khuyến nông huyện Đức Phổ đánh giá đây là mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã Phổ Thạnh, phù hợp với khả năng đầu tư của người dân. Trong những năm tiếp theo Trạm khuyến nông huyện sẽ cử cán bộ kỹ thuật chuyển giao quy trình nuôi và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Phổ Thạnh và các địa phương khác trong huyện.
Trong vài năm gần đây, người nuôi tôm trong tình trạng liên tiếp phải đối mặt với thất bại, thua lỗ do dịch bệnh. Đây là cơ hội để người dân có điều kiện chuyển đổi sang mô hình mới có hiệu quả hơn, bền vững hơn, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Ý thức trả nợ của khách hàng là rất tốt
- » NHCSXH HUYỆN CHI LĂNG: 10 tháng đạt gần 100% kế hoạch tín dụng năm 2013
- » Lâm Đồng phối hợp với các hội, đoàn thể xử lý nợ quá hạn
- » Bắc Giang tăng trưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- » Kinh nghiệm phối hợp ủy thác với các hội, đoàn thể ở Trà Vinh
- » Vơi bớt lo cho con đi học
- » Điểm tựa giúp nông dân giảm nghèo
- » Đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở Vĩnh Phúc thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
- » Phụ nữ Đức Phổ giúp nhau xóa nghèo
- » Hội CCB tỉnh Long An sử dụng hiệu quả nguồn vốn ủy thác