Quảng Ngãi tiếp sức hộ cận nghèo

14/10/2013
(VBSP News) Quảng Ngãi là một tỉnh nằm trong khu vực duyên hải miền Trung. Toàn tỉnh có 13 huyện, 1 thành phố, trong đó có 1 huyện đảo và 6 huyện nghèo 30a, với 4 dân tộc chính: Kinh, Hre, Co, Xơ Đăng cùng chung sống. 2/3 diện tích của tỉnh là núi, đồi cao, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, đời sống nhân dân còn khó khăn. Tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 17,6% (57.560 hộ); hộ cận nghèo 9,76% (31.862 hộ). Cùng với công cuộc xóa nghèo, Quảng Ngãi đang tích cực tiếp sức cho các hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, làm ăn khá giả...
Nông dân huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) chăm sóc vườn keo

Nông dân huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) chăm sóc vườn keo

Tính đến ngày 30/9/2013, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đạt tổng dư nợ 2.074 tỷ đồng, với 130.000 hộ còn dư nợ, tăng so với đầu năm 106 tỷ đồng; doanh số cho vay 9 tháng năm 2013: 445 tỷ đồng, với 29,5.000 hộ; tập trung cho vay các chương trình: hộ nghèo 239,5 tỷ đồng (10.877 hộ); hộ cận nghèo 83,3 tỷ đồng (3.702 hộ); nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 30 tỷ đồng (3.766 hộ); HSSV 43,4 tỷ đồng (8.765 hộ). “Tính từ ngày có Quyết định 15/2003/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, thì tốc độ triển khai của NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi như vậy là khẩn trương, kịp thời; bước đầu đạt kết quả khả quan” - Phó bí thư thường trực huyện ủy Sơn Hà Nguyễn Thái nhận định. Ông cho biết thêm: Sơn Hà là huyện nghèo nhất trong 6 huyện 30a của tỉnh Quảng Ngãi, với dân số khoảng 70.000 người, trong đó: 82% là đồng bào dân tộc Hre. Trước đây, đồng bào sợ mang nợ nên không vay vốn ngân hàng, vì không biết làm gì. Hiện nay, cả huyện đạt tổng dư nợ gần 177 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,01% (17,5 triệu đồng). “Điều đó chứng tỏ đồng bào dân tộc đã sử dụng đồng vốn vay của NHCSXH hiệu quả” - Phó bí thư huyện ủy kết luận. Sơn Hà có khoảng 4.000 hộ cận nghèo (12,7%), vừa qua đã giải ngân 1,1 tỷ đồng cho 42 hộ vay. Vì, nguồn vốn có hạn, trước hết huyện ưu tiên những hộ có điều kiện phát triển kinh tế.
Xã Sơn Linh có 168 hộ cận nghèo, nhưng mới có 3 hộ được vay 70 triệu đồng. Đây là xã đặc biệt khó khăn, hầu hết đồng bào Hre sinh sống, tiếp xúc với bà con chúng tôi phải nhờ cán bộ - người địa phương phiên dịch. Theo chân ông Trưởng thôn Lê Tân Minh, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đinh Phia ở thôn Gò Dã. Anh cho biết: “Trước đây mình được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng, nuôi lợn và trồng cây keo, năm 2012 thoát nghèo. Thoát nghèo nhưng chưa thoát khỏi khó khăn. Đang loay hoay thì vừa qua mình được vay 25 triệu đồng trong chương trình cho vay hộ cận nghèo. Có vốn mình tiếp tục chăm sóc 2ha keo, nuôi 3 con bò. Giờ keo xanh tốt, bò béo tốt”. Đầu năm 2013, anh Phia khánh thành ngôi nhà mới khang trang, theo ông Trưởng thôn trị giá khoảng 200 triệu đồng. Ngoài vốn vay hộ nghèo, năm 2009 gia đình anh Phia còn được vay 25 triệu đồng cho con đi xuất khẩu lao động ở Malaixia. Sau 3 năm con đã gửi về 120 triệu đồng, trả hết nợ gốc và lãi cho ngân hàng, còn lại góp vào xây nhà. “Không có NHCSXH thì nhà mình còn nghèo mãi cán bộ ạ” - anh Phia bộc bạch. Hiện tại, con anh Phia đã hết thời kỳ lao động ở nước ngoài, nhưng được đăng ký làm thêm năm thứ 4. Anh tin, ngày con về cộng với vốn vay hộ cận nghèo sinh sôi, gia đình sẽ thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ổn định.
Sau nhiều năm tìm tòi, Quảng Ngãi xác định hướng sản xuất của các huyện miền núi keo và mì cao sản là 2 cây trồng chính, kết hợp chăn nuôi đại gia súc; các huyện duyên hải bám biển, bám đảo, bám nghề. Xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ xưa nay nổi tiếng với vùng muối Sa Huỳnh, đánh bắt và chế biến hải sản. 2/3 trong số 213 hộ cận nghèo của xã cần được tiếp sức, nhưng mới có 7 hộ được vay 150 triệu đồng. Chị Lê Thị Liên ở xóm Cồn, thôn Thạch B1, trước đây vay 10 triệu đồng trong chương trình cho vay hộ nghèo. Sau nhiều năm chăn nuôi lợn, chồng đi biển, gia đình thoát nghèo năm 2011. Năm 2013 được vay 25 triệu đồng từ vốn cho vay hộ cận nghèo, mua lưới cụ cho chồng đi biển.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác