Đắk Nông: Giúp đồng bào ý thức tiết kiệm
Ông K’Ngu, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1 cho biết: “Khi có chủ trương huy động tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn, Ban quản lý tổ đã tổ chức họp bàn với các thành viên để giải thích ý nghĩa, lợi ích của việc gửi tiền tiết kiệm. Sau khi tất cả mọi thành viên đều nhất trí thì tổ mới thống nhất gửi tiết kiệm. Những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gửi mỗi tháng từ 5.000 - 10.000 đồng, hộ ít khó khăn hơn gửi 50.000 - 100.000 đồng. Ðến nay, các thành viên trong Tổ đã tiết kiệm được gần 20 triệu đồng”.
Theo ông Bùi Thọ Tiếu - Phó giám đốc NHCSXH huyện Ðắk Glong, khi triển khai chương trình gửi tiền tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn, ngân hàng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, từng bước thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người dân. Việc ghi chép, theo dõi hoạt động gửi, rút tiết kiệm giữa Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổ viên luôn được ngân hàng quán triệt, để đảm bảo an toàn vốn, tránh tiêu cực xảy ra. Nhờ đó, hiện tại, 58 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện, mà các thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số đã tiết kiệm được gần 520 triệu đồng.
Còn tại Ðắk Song, việc vận động người nghèo, đối tượng nằm trong diện ưu tiên vay vốn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia gửi tiết kiệm cũng luôn được NHCSXH huyện có kế hoạch thực hiện cụ thể. Cán bộ ngân hàng và các Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực vận động người dân tham gia vào chương trình. Ðến nay, 26 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, mà các thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số đã tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng.
Ông Trần Anh Ðức - Giám đốc NHCSXH huyện Ðắk Song phân tích: “Ðối với đồng bào nghèo để xây dựng thói quen hàng tháng phải gửi một khoản tiết kiệm là vấn đề không hề dễ dàng. Do vậy, ban đầu, ngân hàng phải đẩy mạnh công tác vận động, giúp đồng bào quen dần với ý thức dành dụm và hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của chương trình là chỉ có lợi cho bản thân mà thôi”.
Theo ông Bùi Ðăng Khoa - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông, chương trình huy động gửi tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn được triển khai trên tinh thần tự nguyện, với mục tiêu là giúp đồng bào có ý thức tiết kiệm. Mục đích của chương trình rất rõ ràng, nhưng khi đi vào thực hiện không phải hộ nghèo nào cũng hiểu được điều đó, nhất là đối với những hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Ðể giải quyết vấn đề trên, NHCSXH đã chọn lựa những Tổ tiết kiệm và vay vốn đủ điều kiện làm ủy nhiệm huy động tiết kiệm. Cán bộ ngân hàng trở thành tuyên truyền viên ngay tại những buổi giao dịch ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có nhiều địa phương, chính cán bộ ngân hàng còn trực tiếp đến từng nhà để vận động, giải thích.
Ngoài ra, ngân hàng cũng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác lựa chọn người có khả năng quản lý, biết tính toán, ghi chép, lưu giữ sổ sách làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, để đảm bảo được nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên. Với sự nỗ lực đó, đến nay, 326 Tổ tiết kiệm và vay vốn là người đồng bào dân tộc thiểu số đã huy động được gần 2,5 tỷ đồng tiền tiết kiệm.
Từ nguồn tiết kiệm này, ngân hàng đã bổ sung vào nguồn vốn cho vay, giúp cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách có thêm cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương.
Nguyễn Lương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Bình Dương tiếp sức HSSV nghèo
- » Vốn nhỏ nuôi dưỡng ước mơ lớn
- » Đồng vốn nâng đỡ HSSV nghèo
- » Người nghèo ở xã Hòa Bình không còn trông chờ, ỷ lại
- » Đồng vốn sinh sôi
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quảng Nam họp phiên thường kỳ
- » Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi
- » Mang niềm vui đến người nghèo
- » Tín dụng ưu đãi nâng cánh HSSV tại Quảng Trị
- » Để nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh đứng vững