Đưa nước sạch về Ma Da Guôi
Theo báo cáo từ Trung tâm y tế huyện, vào thời điểm năm 2005 số hộ có nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Ma Da Guôi chỉ chiếm khoảng 35 - 40%. Do vậy, chất lượng cuộc sống nơi cao nguyên này không được đảm bảo. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp từ phía người dân, trong đó có Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và NHCSXH triển khai chương trình cho vay vốn ưu đãi thì tình hình nước sạch và môi trường đã căn bản thay đổi theo chiều hướng thuận lợi. Các công trình thuỷ lợi và nước sạch có tác dụng lớn đến đời sống của đại bộ phận dân cư. Hiện tại, nguồn nước hợp vệ sinh đã đủ cung cấp cho hơn 5.000 người dân trong xã sử dụng. Các gia đình cũng vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng “3 công trình vệ sinh” phù hợp với thực tế của địa phương.
Ông Phan Văn Sơn - Bí thư Đảng uỷ thị trấn cho biết, đạt được kết quả phấn khởi đó bởi thị trấn đã tiến hành xã hội hoá công tác đầu tư mọi hoạt động khai thác, cung cấp nguồn nước sạch cũng như xây dựng đồng bộ các công trình vệ sinh như nhà tiêu, nhà tắm, khơi thông cống rãnh, thoát hết nước thải, rác bẩn, nhất là kết hợp với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi vào phong trào xây dựng môi trường nông thôn “xanh, sạch, đẹp”.
Ngoài các đường ống nước được dẫn từ trục đường chính về các buôn làng do Công ty cấp nước sinh hoạt của tỉnh đầu tư lắp đặt, thì hầu hết hộ dân ở vùng cao này đều được vay vốn chính sách dễ dàng để đầu tư xây bể chứa nước và bắc đường ống dẫn nước sạch vào tận nhà sử dụng. Cái thời mà cả buôn làng dùng nước sông suối đục bẩn hay hàng trăm hộ gánh nước từ một giếng đất trong thung lũng nay không còn nữa. Cao nguyên Đa Hu Oai đã đạt tỷ lệ 85% hộ dân sử dụng nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Ông Đinh Vút ở làng Khay, thị trấn Ma Da Guôi, phấn khởi nói: “Có nước sạch để dùng và nhà tắm, nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn, hợp lý là nhờ sự hỗ trợ về vốn của NHCSXH huyện đấy”. Còn đối với 56 hộ dân K’Ho ở trong khe núi thuộc làng Biêng Khen đã được Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và NHCSXH phối hợp chặt chẽ, đầu tư lắp đặt 900 mét đường ống dẫn nước cố định từ nhà máy vượt đèo, băng suối đến tận buôn làng là hoàn toàn thích hợp với bà con. Bởi vì, trước đây cứ đến mùa khô hạn, người dân phải sống trong tình trạng “khô kiệt” về nước sinh hoạt nhưng giờ đây không phải đi xa, đồng bào ở nơi hẻo lánh vẫn có đủ nước sạch chảy đến tận nhà. Bà Nai Thuỳ cho biết: “Cả đời tôi sinh sống bằng nước khe suối, bị ốm yếu luôn, từ khi được vay vốn Chính phủ dẫn nước sạch về tận nhà sử dụng nên vui sướng lắm. Mong ước về nguồn nước ngọt bấy lâu của gia đình và bà con của buôn làng đã thành sự thật”.
Rõ ràng việc cho vay vốn chính sách thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nơi vùng cao Ma Da Guôi đã làm cho chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người được nâng cao dần và góp phần cho vùng quê xa xôi hẻo lánh có điều kiện thuận lợi để giảm nghèo, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới.
Hà Đức Thọ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » VỐN TÍN DỤNG ƯU ĐÃI HSSV TRONG NĂM HỌC MỚI Ở HÀ TĨNH: Đủ nhu cầu, tạo thuận lợi tối đa cho người vay
- » Khi đồng vốn ưu đãi xóa nghèo hiệu quả
- » Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu - Ủy viên HĐQT NHCSXH làm việc tại tỉnh Nam Định
- » Giúp hội viên nâng cao cuộc sống
- » Nông dân Kỳ Anh làm giàu từ vốn vay ưu đãi
- » Khi nông dân có vốn trong tay
- » Hiệu quả từ chương trình chòi tránh lũ cho hộ nghèo ở Thanh Hóa
- » Huy động tiền gửi tiết kiệm ở Bình Phước: THÀNH CÔNG BƯỚC ĐẦU
- » Vốn ưu đãi đến với nông thôn và nông dân
- » 20 tỷ đồng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn ở Bình Dương vay vốn