Thi đua làm kinh tế giỏi của CCB xã Quang Thuận
Thời gian qua Hội CCB xã Quang Thuận đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để giúp đỡ hội viên CCB đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; tuyên truyền cho hội viên chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, trồng rừng theo dự án góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Hội đã khai thác tốt nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện và nguồn vốn của hội viên đóng góp để đầu tư phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả cao. Đồng thời hội phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ canh tác cho hội viên. Được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên đã tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi.
Là địa phương có truyền thống trồng cây ăn quả, khí hậu thổ nhưỡng thích hợp nên Hội CCB xã Quang Thuận đã vận động hội viên phát huy tiềm năng, thế mạnh để tập trung phát triển cây cam, quýt. Đến nay phong trào trồng cam, quýt của hội viên CCB được phát triển sâu rộng, bình quân mỗi hộ có một vườn cây ăn quả với diện tích từ 1,5ha đến 2ha. 100% số hộ hội viên được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào quá trình trồng và chăm sóc nên sản lượng, chất lượng của cây trồng, vật nuôi ngày càng được nâng cao. Nhờ phát triển cây cam, quýt mà nhiều gia đình hội viên có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhiều hộ có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng, điển hình là gia đình hội viên Lộc Văn Nghinh, Nghiêm Xuân Thuận, Triệu Văn Bích, Ma Văn Chương, Lưu Đình Dũng, Cao Xuân Lãng…
Cũng giống như bao CCB khác, sau khi rời quân ngũ về quê hương, ông Cao Xuân Lãng phải bước vào cuộc sống với bao lo toan bộn bề thường nhật. Từ chỗ chỉ có hai bàn tay trắng, nhờ tinh thần chủ động, mạnh dạn, hăng say lao động và có vốn vay NHCSXH, ông Lãng đã biến vùng đất đồi hoang hóa thành những đồi trồng cây cam, quýt cho giá trị kinh tế cao. Ông còn là người đi đầu trong xã khi mạnh dạn đưa giống cây cam đường về trồng trên đất ruộng, sau đó tự ươm giống kế tiếp cho những vụ sau. Đến nay ông đã sở hữu hơn 1ha cây cam đường và hàng trăm gốc quýt. Ông Lãng cho biết, vụ cam đường năm ngoái ông thu được 5 tấn cam, thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Những hoạt động thiết thực và hiệu quả, Hội CCB xã Quang Thuận đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong việc đoàn kết, tập hợp hội viên, giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương.
Bài và ảnh Ngọc Phúc - Hà Thanh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hiệu quả cho vay HSSV ở Vĩnh Long
- » Sáng nay, khai mạc Đại hội VI Hội Nông dân Việt Nam
- » Lục Nam phá thế thuần nông
- » Tín chấp vay vốn giúp hội viên thoát nghèo, làm giàu
- » Hành trình xua đi cái khó, cái nghèo
- » Đưa ngân hàng về tận buôn làng
- » 284 hộ Cựu chiến binh ở miền núi thoát nghèo
- » CÁC VĂN BẢN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ ÁN 30
- » Tín dụng chính sách mang nước sạch về nông thôn
- » Tâm huyết giảm nghèo