Tín dụng chính sách xã hội tại Thừa Thiên Huế (Bài cuối: Vì mục tiêu hạnh phúc, phồn vinh)

29/02/2024
(VBSP News) Với sứ mệnh đặc biệt của mình, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế luôn sát cánh cùng hộ nghèo, gia đình chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn, kiên trì cùng đồng bào từng bước tiến về phía trước, lập thân, lập nghiệp…
NGO THI MY TRANG PH THỦY BIỀU TP HUE_6388

Nguồn vốn chính sách giúp người dân khó khăn ở TP Huế phát triển sản xuất

Cùng A Lưới về đích trước hẹn
Kết thúc năm 2023 với việc “ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo nhất cả nước” - A Lưới đã về đích sớm so với kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao. Kết quả này có sự đồng hành sát sao của những người làm tín dụng chính sách khi nỗ lực chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến với đồng bào.
Phấn khởi với thành quả của toàn huyện, Nghệ nhân di sản phi vật thể nghề dệt Zèng - Lê Thị Sỹ ở thôn Ky Ré, xã Hồng Thượng cho hay, bà và đồng bào các dân tộc huyện A Lưới đang “thừa thắng xông lên”, nhất định sẽ cùng nhau làm cho A Lưới giàu đẹp hơn bội phần.
“Chúng tôi nghĩ, sẽ không có cơ hội đổi đời vươn lên nào tốt như hiện nay. Từ Trung ương đến tỉnh, huyện và đặc biệt là NHCSXH luôn tạo mọi thuận lợi để A Lưới phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Bản thân tôi và nhiều đồng bào Tà Ôi cũng như đồng bào Pa Cô, Cờ Tu, người Kinh đều ra khỏi danh sách hộ nghèo bằng những đồng vốn chính sách ưu đãi của NHCSXH huyện. Quý nhất là chúng tôi được vay vốn, hỗ trợ vươn lên bằng chính nghề truyền thống của mình - nghề dệt Zèng”, Nghệ nhân Lê Thị Sỹ chia sẻ.
Thật thú vị khi trò chuyện với hơn chục hộ đồng bào đang hoàn tất lô sản phẩm khăn, túi thổ cẩm tại nhà Nghệ nhân Lê Thị Sỹ khi họ đều là khách hàng của NHCSXH huyện. Bản thân Nghệ nhân Lê Thị Sỹ cũng vậy, bà đã vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo của NHCSXH huyện A Lưới từ năm 2015; hiện đang vay 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm. Từ đồng vốn chính sách, gia đình bà đã có cơ ngơi đáng nể, có cả trang trại chăn nuôi bò, dê; 5ha rừng trồng… Nguồn vốn đã giúp cho 5 người con của bà được đi học, có công ăn việc làm và cuộc sống ổn định.
Trường hợp của chị Lê Thị Thia - người đã 7 lần vay vốn của NHCSXH huyện A Lưới cũng vậy! Từ những đồng vốn nhỏ, gia đình chị đã thoát nghèo và hiện có 6ha rừng trồng, có đàn bò dê vài chục con. Ba người con của chị đều trưởng thành từ nguồn vốn NHCSXH, trong đó có một người con đang đi lao động nước ngoài…
Giúp người có hoàn cảnh khó khăn vượt lên số phận
Không chỉ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa hay hộ nghèo, gia đình chính sách được thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi, ngay cả những hộ dân nằm giữa lòng phố thị cũng nhận được sự hỗ trợ từ NHCSXH.
Chị Nguyễn Thị Trang ở thôn Vọng Trì, Phú Mậu, TP Huế đang vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH. Trước đó, cũng chính bằng nguồn vốn của NHCSXH, chị Trang và gia đình đã dứt điểm với cái nghèo, cận nghèo đeo bám suốt nhiều năm. Nhờ nguồn, gia đình chị Trang đã biến 1 sào đất tạp thành ruộng hoa màu tươi tốt. Những giá trị mà vườn hoa mầu mang lại, đã giúp vợ chồng chị Trang sắm được máy làm đất. Những lúc vào mùa vụ, chiếc máy làm đất cũng sinh lời cho gia đình một nguồn kha khá. “Giờ, mỗi năm hai vợ chồng tôi cũng để dành được 50 triệu đồng, cuộc sống rất thoải mái”, chị Trang khoe.
Hay các hộ sản xuất hoa giấy ở làng hoa giấy Thanh Tiên, làng hương Thủy Xuân cũng vậy! Tính riêng ở làng hoa giấy Thanh Tiên, đang có 18/280 hộ gia đình đang làm nghề đã và đang vay vốn giải quyết việc làm. Bình quân mỗi hộ đang có dư nợ tại NHCSXH từ 50 - 100 triệu đồng. Nguồn vốn không chỉ giúp bà con thoát khỏi khó khăn, khôi phục nghề truyền thống mà còn tạo đà cho những người yêu nghề, có chí vươn lên, phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp vào sự phát triển xã hội.
Chia sẻ về hoạt động của NHCSXH trên địa bàn TP Huế, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cho biết, đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 819,343 tỷ đồng, tăng 120,340 tỷ đồng so với năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng 17,2%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 814,657 tỷ đồng, tăng 121,807 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2022.
NHCSXH đã phối hợp với phường, xã triển khai giải ngân 450,962 tỷ đồng, với 8.909 lượt hộ vay vốn. Nguồn vốn đã kịp thời giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của các hộ gia đình, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Huế. Trong đó, riêng chương trình cho vay giải quyết việc làm đã giúp cho 2.463 lượt lao động mới có việc làm ổn định, với doanh số cho vay đạt 142,034 tỷ đồng, tổng dư nợ đến hết năm 2023 đạt 188,736 tỷ đồng góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Bên cạnh việc kịp thời giải ngân, NHCSXH còn làm tốt công tác huy động tiền gửi qua tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố. Đơn cử, số dư huy động từ tổ chức và cá nhân đến hết năm 2023 là 98,383 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 18,239 tỷ đồng. Trong đó, số dư huy động từ tổ chức, cá nhân là 27,248 tỷ đồng. Số dư huy động tiền gửi qua Tổ tiết kiệm và vay vốn là 71,135 tỷ đồng. Việc huy động vốn cùng với số tiền ủy thác của địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay, đã giúp NHCSXH luôn chủ động nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.
Bước sang năm 2024 - năm bản lề của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp và cũng là năm quan trọng trong hành trình đưa TP Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025; cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp của địa phương, NHCSXH tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện; tuyên truyền công tác huy động tiền gửi của tổ chức và cá nhân để mọi người dân trên địa bàn biết cùng tham gia thụ hưởng; thực hiện, góp phần hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2024. Đồng thời, quyết liệt giúp người yếu thế giảm nghèo bền vững, hỗ trợ địa phương hoàn thành mục tiêu chính trị cao nhất theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Thái Bình

Các tin bài khác