Thành quả từ tín dụng chính sách
Không chỉ thoát nghèo…
Từng là hộ nghèo “lâu năm” của thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông, đến năm 2019, gia đình chị Hoàng Thị Hiền đã được Hội Phụ nữ xã giới thiệu vay vốn NHCSXH để đầu tư phân bón, đa dạng cây trồng. “Với khoản tiền 50 triệu đồng, tôi bắt đầu trồng dâu, nuôi tằm; lấy ngắn nuôi dài và mở rộng diện tích trồng dâu, xen trồng cây ăn trái, nhằm tăng thu nhập ổn định trong gia đình”, chị Hiền chia sẻ.
Đến nay, gia đình chị có 2ha trồng xen dâu và cây ăn trái như: mít, sầu riêng, chôm chôm, bơ, dứa, bưởi da xanh. Năm 2020, gia đình chị không những thoát nghèo mà còn thu lãi 200 triệu đồng từ trồng dâu nuôi tằm và gần 40 triệu đồng cho vụ thu bói đầu tiên của mít và dứa.
Cũng như gia đình chị Hiền, gia đình anh K’Tăm ở thôn 2, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng được gần 4 năm nay. Có vốn, gia đình anh có thêm động lực để đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài thu nhập từ cà phê hàng năm, mỗi tháng, gia đình thu về khoảng 6 triệu đồng từ bán kén tằm. Đến nay, anh K’Tăm đã trả hết nợ, thoát nghèo và với sự tiếp sức của NHCSXH từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, cuộc sống gia đình anh K’Tăm đang khởi sắc từng ngày.
Phó Chủ tịch UBND xã Liêng Srônh Ha Doanh cho biết: Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Đam Rông được sự tham gia nhiệt tình của bà con nhân dân trong toàn xã. Đến nay, các hộ tham gia vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để đầu tư phát triển sản xuất. Đa số các mô hình kinh tế hiện đang phát triển tốt, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp bà con Nhân dân yên tâm ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng để địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống dưới 10%.
Không riêng gì chị Hiền, anh K’Tăm mà 1.111 hộ nghèo trên địa bàn huyện Đam Rông - huyện nghèo nhất của tỉnh Lâm Đồng đã thoát nghèo trong năm 2022 nhờ nguồn vốn NHCSXH. Nguồn vốn chính sách cũng giúp người dân địa phương thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư cải tạo, chăm sóc cây cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cùng với đó, Đam Rông còn lồng ghép các chương trình hỗ trợ, giúp hàng nghìn lao động được sử dụng vốn, tạo thêm việc làm nâng cao đời sống.
Chủ động nguồn lực
Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Ngọc Thu cho biết: Đến hết tháng 6/2023, chi nhánh đã cơ bản thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra, với tăng trưởng huy động vốn đạt 11,3% so với đầu năm; dư nợ tăng 392,9 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 91,1% kế hoạch.
Chất lượng hoạt động tại 142 Điểm giao dịch xã, chất lượng tín dụng chính sách được duy trì và nâng lên; tỷ lệ nợ quá hạn 0,05%/tổng dư nợ, giảm 0,01% so với đầu năm (1 Phòng giao dịch và 82 xã không có nợ quá hạn; 14 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, 458 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã không có nợ quá hạn); tỷ lệ Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại Tốt, loại Khá chiếm 99,4%, không còn tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại yếu; đánh giá chất lượng tín dụng chính sách của chi nhánh, của 11 Phòng giao dịch và Hội sở tỉnh đều xếp loại Tốt.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ 759 hộ nghèo, 2.845 hộ cận nghèo và 1.885 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 3.598 lao động, 571 lượt HSSV vay vốn trang trải chi phí học tập, 15 gia đình HSSV vay vốn mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến, giúp cho 7.705 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 177 hộ vùng đồng bào DTTS và miền núi được vay vốn; qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Lâm Đồng được gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Tổng nguồn vốn thực hiện cho chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023 của tỉnh Lâm Đồng là 65,683 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư chương trình phát triển vùng đồng bào DTTS năm 2023 được phân bổ hơn 355 tỷ đồng.
Để cùng địa phương thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, có giải pháp huy động vốn tại địa phương, nhằm tăng cường nguồn lực đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, đúng đối tượng, tránh bị lợi dụng, trục lợi chính sách. Đồng thời, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện tín dụng chính sách, tình hình triển khai thực hiện Chiến lược, đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chiến lược.
Thái Bình
Các tin bài khác
- » Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
- » Hiệu quả tín dụng ưu đãi tại miền biên giới Tây Ninh
- » Giúp đồng bào DTTS vượt khó, thoát nghèo
- » Điểm tựa của người yếu thế
- » “Đòn bẩy” kinh tế giúp người dân thoát nghèo
- » Giao ban hoạt động ủy thác giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Kết nối sức mạnh của ý Đảng - lòng dân
- » Tín dụng chính sách xã hội: Giải pháp căn cơ, sáng tạo để Bắc Giang giảm nghèo nhanh chóng
- » Tạo động lực cho phụ nữ vươn lên thoát nghèo
- » Gò Dầu nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách