Giảm nghèo ở Phượng Tiến
Cách đây 5 năm, gia đình chị Trần Thị Hoa, xóm Hợp Thành lâm vào cảnh khánh kiệt do chồng bị mắc căn bệnh ung thư quái ác. Với suy nghĩ “còn nước còn tát”, chị đã dồn toàn bộ tiền của để chữa bệnh cho chồng nhưng không qua khỏi. Chồng chị ra đi để lại nỗi đau và món nợ lớn cho vợ con. Các cháu còn nhỏ, mọi lo toan của cuộc sống đều do chị gánh vác. Thấy sự khó khăn của chị, năm 2011, bà con trong xóm đã bình xét, ưu tiên cho chị vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư sản xuất. Từ số tiền vay của ngân hàng và anh em họ hàng, chị Hoa mạnh đầu tư mua máy móc, thiết bị sản xuất gạch silicat với tổng trị giá 45 triệu đồng. Do nhu cầu của bà con trong xã về loại gạch này rất cao nên gia đình chị sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Bởi vậy, sau hơn 1 năm, gia đình chị đã tích góp đủ tiền trả nợ ngân hàng. Đến nay, chị lại tiếp tục đầu tư khoảng 100 triệu đồng mua dây chuyền sản xuất gạch mới với công suất trung bình 2 nghìn viên gạch/ngày. Cùng với đó, xưởng sản xuất gạch của chị cũng tạo việc làm ổn định cho từ 5 đến 7 lao động với mức thu nhập khoảng 130 -150 nghìn đồng/người/ngày. Chị Hoa cho biết: Nếu không có nguồn vốn vay của NHCSXH thì tôi cũng không biết xoay xở thế nào để vực kinh tế gia đình bởi anh em họ hàng ai cũng khó khăn. Qua đây tôi mới thấy, nguồn vốn vay này có ý nghĩa rất thiết thực đối với những hộ nghèo như gia đình tôi. Nó đã giúp chúng tôi có điều kiện vươn lên làm ăn khấm khá, để từng bước thoát nghèo và làm giàu.
Trường hợp gia đình chị Hoa, chỉ là một trong số gần trăm hộ (tính từ 2011 đến nay) đã thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu ở xã Phượng Tiến nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, chương trình hỗ trợ cây, con giống, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất từ Chương trình 135… Trao đổi với chúng tôi về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo của xã, ông Phùng Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban giảm nghèo của xã cho biết: Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Chúng tôi luôn xác định mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi vậy, hằng năm, xã đều chỉ đạo các đoàn thể, xóm tập trung tổ chức bình xét hộ nghèo đảm bảo đúng đối tượng. Khi có sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, xã sẽ ưu tiên cho những hộ nghèo nhất.
Thông qua Chương trình 134, Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, gần 300 hộ nghèo của xã đã được hỗ trợ tiền để làm nhà ở kiên cố. Thông qua Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, hàng trăm hộ đã được hỗ trợ tiền mua trâu, bò sinh sản, các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất… Chỉ tính riêng năm 2012, xã đã tổ chức bình xét, thực hiện hỗ trợ cho các hộ nghèo mua được 18 chiếc máy cày mini, 36 máy cắt cỏ, cắt lúa, 4 máy bơm nước. Ngoài ra, các hộ nghèo còn được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, từ các kênh tín dụng khác; được tập huấn khoa học, kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất, tạo thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Tính đến nay, 4 tổ chức hội của xã là: Nông dân, Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên đã đứng ra tín chấp cho các hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất với tổng dư nợ lên tới trên 6,7 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Tám - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho rằng: Cái được lớn nhất của các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo là đã nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể về công tác giảm nghèo. Qua việc được tham gia các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật; được sự hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, được vay vốn với lãi suất ưu đãi, các hộ dân đã có kiến thức, kinh nghiệm, phương tiện và nguồn vốn để phát triển sản xuất.
Ông Nông Đức Quân - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: So với khoảng 5 - 6 năm trở về trước, diện mạo nông thôn ở Phượng Tiến đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, cơ sở vật chất ở các trường học, Trạm y tế đã được đầu tư xây dựng khang trang và đạt chuẩn. Đường vào trung tâm xã đã được trải nhựa. Hầu hết đường ở các xóm đã được đổ bê - tông rộng rãi, sạch sẽ, thuận lợi cho nhân dân đi lại, chuyên chở hàng hóa. Khoảng 90% số hộ đã mua sắm được xe máy, trên 80% số hộ có máy cày, máy bơm nước. Hiện, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 12 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,8% (năm 2010) xuống còn 21,9% (năm 2013).
Đức Anh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giúp người dân tại tỉnh Đắk Lắk thoát nghèo
- » Ấn tượng NHCSXH ở tỉnh Lâm Đồng
- » Thế vươn mình ở một xã bãi ngang
- » Góp phần đắc lực thực hiện “an sinh xã hội”
- » Hiệu quả từ phối hợp ủy thác vay vốn
- » Giảm chính sách "cho không", tăng hỗ trợ sản xuất
- » Quảng Ninh: “Bà đỡ” nghề rừng ở Ba Chẽ
- » NHNN ký kết thỏa thuận hợp tác truyền thông với Báo Lao động
- » Đẩy mạnh đổi mới công nghệ ngân hàng; Nâng cao năng lực quản trị, điều hành; Phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng điện tử
- » NHNN khai mạc Hội thảo - Triển lãm Banking Việt Nam 2013