Thỏa ước mơ một sàn nhà cao hơn đỉnh lũ sông Lam
Xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) được chọn là một trong những địa phương thí điểm thực hiện chương trình giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Đây quả thực là tin vui đối với bao hộ gia đình nghèo nơi đây. Theo Quyết định 716/QĐ-TTg về việc triển khai thí điểm chương trình tại 7 tỉnh, cho 700 hộ nghèo, mỗi hộ thuộc diện đối tượng được ngân sách Trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng, vay vốn ưu đãi từ NHCSXH với mức 10 triệu đồng.
Bao năm qua, người dân nơi đây phải chật vật tìm cách chạy lũ mỗi khi nước về. Giờ, mức hỗ trợ và cho vay của Nhà nước đã là động lực quan trọng để các hộ nghèo phấn đấu huy động thêm và xây dựng được các chòi chống lũ kiên cố, an toàn. Anh Vũ Văn Sâm ở xóm 1, xã Hưng Nhân tâm sự: “Nhiều năm qua, gia đình tôi mơ dựng được một công trình cao hơn mức lũ sông Lam vào tháng mưa Ngâu mà chưa thực hiện được vì nghèo. Nay được Nhà nước hỗ trợ và vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, cùng với số tiền tích lũy ít ỏi, vợ chồng tôi vay thêm họ hàng nội ngoại, tổng cộng 85 triệu đồng xây được công trình chòi chống lũ lụt”. Rồi anh chỉ lên công trình hai tầng, rộng 48m², gắn kết hài hòa với khối nhà cũ, khoe: “Tầng 2 ngày thường sẽ là nơi hai con học hành, ngày lũ sẽ là nơi chạy tài sản và người”. Thế là từ nay, nhà anh không còn phải chen chúc cả người, cả của chung trong một cái chậu trên các thành kèo gỗ áp mái trong gian nhà cũ, vừa an toàn hơn, vừa đỡ vất vả, khó khăn trong sinh hoạt những ngày lũ.
Chương trình 716, mà người dân thường nôm na gọi là xây chòi tránh lũ, là chương trình mới nhất trong các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ sinh sống tại vùng thường xuyên bị thiên tai lũ, lụt, sau các chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình cho các hộ dân vay vốn để xây dựng nhà ở trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiệu quả rõ rệt từ tín dụng chính sách
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong các chương trình nói trên, vốn hỗ trợ được huy động từ nhiều nguồn: Ngân sách Nhà nước, vốn vay ưu đãi và vốn huy động từ cộng đồng, trong đó: vốn vay ưu đãi chiếm tỷ lệ cao - khoảng 1/3 trong cơ cấu các nguồn vốn hỗ trợ. Điều kiện cho vay vốn để xây dựng nhà ở của các chương trình trên hết sức ưu đãi: lãi suất 3%/năm, thời gian trả nợ là 10 năm, trong đó có 5 năm ân hạn. Các hộ dân trả nợ từ năm thứ 6, mỗi năm trả nợ tối thiểu 20% tổng số vốn đã vay (kể cả lãi vay).
Nhờ đó, đến hết tháng 12/2012, đã có trên 520 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, trong đó có 483.543 hộ vay vốn NHCSXH, tỷ lệ 93%. Những hộ không vay là những hộ không có nhu cầu vay hoặc đã có kinh phí hỗ trợ từ các nguồn khác như của các tổ chức đoàn thể, của doanh nghiệp, của người thân… Trong đó, đã có trên 90.202/100.428 hộ nghèo thuộc 62 huyện nghèo và 25.520/25.895 hộ là đồng bào Khơme được hỗ trợ nhà ở.
Đối với Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng song Cửu Long, tính đến nay, NHCSXH đã thực hiện cho trên 88 nghìn hộ vay với tổng doanh số cho vay đạt 785 tỷ đồng. Còn đối với Chương trình thí điểm hỗ trợ hộ nghèo xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt tại vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, thực hiện thí điểm trên 700 hộ tại 7 tỉnh làThanhHóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên, đến hết 31/3/2013, NHCSXH đã giải ngân cho 659 hộ nghèo vay vốn với tổng doanh số cho vay là 6,590 tỷ đồng (mỗi hộ 10 triệu đồng).
Như vậy có thể thấy, vốn vay ưu đãi có vai trò quan trọng trong việc giúp các hộ nghèo cải thiện nhà ở, có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ. Tính đến nay, đã có gần 600 nghìn hộ nghèo và hộ dân vùng lũ, lụt được vay vốn của NHCSXH cải thiện nhà ở, “an cư lạc nghiệp”, sinh sống an toàn yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế để từng bước vươn lên thoát nghèo, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về tính mạng và tài sản do lũ, lụt gây ra.
H.Thủy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » “Mở vốn” cho hộ cận nghèo
- » Có nước sạch, có vốn làm ăn
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk hoàn thành khóa đào tạo ứng dụng hệ thống Intellect
- » Thoát nghèo từ trồng cà phê giống mới
- » Thỏa mãn "cơn khát" vốn
- » Nặng lòng với nghề
- » Đổi thay ở vùng quê Anh hùng
- » Na Son phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
- » Ngân hàng Nhà nước bác tin đồn đổi tiền
- » Đầu tư mạnh hơn cho giảm nghèo