“Đòn bẩy” giúp người dân phát triển kinh tế

14/01/2022
(VBSP News) Thời gian qua, từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm đã tạo cơ hội cho nhiều hộ khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được vay vốn đầu tư phát triển SXKD, nâng cao thu nhập, đời sống, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của địa phương.
quang bình

Tiệm tạp hóa của chị Mai Thị Nhung ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh được đầu tư mở rộng nhờ nguồn vốn giải quyết việc làm

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giải quyết việc làm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm thích ứng với từng giai đoạn. Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu việc làm sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, tăng cường khả năng giải quyết việc làm và nâng cao hiệu quả vận hành của thị trường lao động.
Đặc biệt, để triển khai thực hiện hiệu quả Quỹ Quốc gia về việc làm, Sở Lao động Thương binh và xã hội đã phối hợp với chi nhánh NHCSXH tỉnh và các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến, xây dựng kế hoạch, tổ chức giải ngân dự án vốn vay tạo việc làm; đẩy mạnh tiến độ cho vay và thực hiện cho vay đúng quy chế, đúng đối tượng…
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Từ khi được giao quản lý, cho vay và thu hồi vốn của chương trình cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, hoạt động cho vay giải quyết việc làm được chi nhánh duy trì thường xuyên; chất lượng, hiệu quả cho vay không ngừng tăng lên.
Trong năm 2021, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 284,17 tỷ đồng, dư nợ 284,14 tỷ đồng với 4.367 lượt khách hàng vay vốn; trong đó, doanh số cho vay từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm là 40 tỷ đồng, tổng dư nợ 77 tỷ đồng với 1.186 lượt khách hàng vay vốn. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi này, nhiều lao động trên địa bàn đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, mang lại thu nhập cao, góp phần tạo chuyển biến trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Để nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm tiếp tục phát huy hiệu quả, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác, công tác bình xét cho vay bảo đảm đúng đối tượng. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm.
Gia đình chị Mai Thị Nhung ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh đã được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để ổn định SXKD trong giai đoạn khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. “Có được nguồn vốn ưu đãi, tôi đã đầu tư mở rộng cửa hàng tạp hóa của gia đình, nhờ đó bảo đảm thu nhập vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, chị Nhung chia sẻ.   
Có thể thấy rằng, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế được thực hiện hiệu quả. Sự góp sức này đã giúp cho nhiều hộ dân từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Đặc biệt, nhiều lao động khu vực nông thôn đã có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, cộng đồng.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội Đinh Thị Ngọc Lan cho biết: Để phát huy nguồn vốn vay, hỗ trợ lao động giải quyết việc làm, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với NHCSXH cũng như các địa phương triển khai đồng bộ hơn, chặt chẽ hơn để nguồn vốn đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích… nhằm phát huy tốt Quỹ Quốc gia về việc làm sau khi được thực hiện theo tiêu chí mới giai đoạn năm 2021 - 2025.   
Với kết quả đạt được, có thể khẳng định rằng, việc triển khai, thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, đơn vị và người lao động tạo việc làm mới. Đặc biệt, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Qua đó, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Theo khảo sát, toàn tỉnh Quảng Bình có trên 7.000 người trong độ tuổi lao động trở về từ các tỉnh phía Nam, trong đó gần 3.300 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới. Trước tình hình đó, Sở Lao động Thương binh và xã hội đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp số lượng, tình hình đời sống, nhu cầu việc làm của người lao động trở về từ vùng dịch để xây dựng phương án hỗ trợ về đời sống, việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp.
Thông qua nhiều nguồn lực hỗ trợ khác nhau, trong đó có từ nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm đã kịp thời giúp đỡ bà con từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về bước đầu ổn định cuộc sống và tìm kiếm việc làm tại quê nhà.

Bài và ảnh Hiền Phương

Các tin bài khác