Đường Hồ Chí Minh trên biển - Biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
Ngày 23.10.1961 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759 - tiền thân Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2, Quân chủng Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Việc quyết định mở tuyến vận tải biển chiến lược và quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết định táo bạo đó trong điều kiện địch tổ chức ngăn chặn, phong tỏa gắt gao là một quyết sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, quân đội và nhân dân ta.
Góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng đất nước
Trung tuần tháng 8.1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển”. Từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển mới, nhận bàn giao 4 tàu gỗ từ Xưởng đóng tàu I (Hải Phòng) và tiếp nhận bổ sung cán bộ. Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển, tên gọi “Đoàn tàu không số” được ra đời.
Đêm 11.10.1962 chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng và đồng chí Bông Văn Dĩa - Bí thư chi bộ chở hơn 30 tấn vũ khí đầu tiên bí mật rời bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng). Sau 9 ngày vượt biển, tàu cập bến Vàm Lũng an toàn, đánh dấu một sự kiện quan trọng “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã được khai thông. Tháng 8.1963, Đoàn được giao cho Quân chủng Hải quân phụ trách và trực tiếp đảm đương nhiệm vụ vận chuyển, chi viện đường biển cho các chiến trường miền Nam. Ngày 24.1.1964, Đoàn 759 phát triển thành Lữ đoàn 125. Sau sự kiện tàu C143 bị địch phát hiện tại Vũng Rô (tháng 2.1965), địch tăng cường hoạt động tuần tiễu ngăn chặn, Đoàn 125 chuyển hướng hoạt động, các đội tàu đi theo đường hàng hải quốc tế và bí mật, bất ngờ đột nhập đưa hàng vào các bến tiếp nhận.
Tháng 2.1968, do sự ngăn chặn, chống xâm nhập của địch ngày càng gay gắt, đường Hồ Chí Minh trên biển phải tạm dừng hoạt động. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tận dụng thời điểm Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 vận chuyển được một khối lượng hàng lớn tới các địa điểm vùng giới tuyến, sau đó Đoàn vận chuyển bằng đường bộ vào chiến trường miền Nam. Ngoài ra, còn tổ chức vận chuyển hàng viện trợ quân sự của các nước anh em bằng tàu biển quốc tế, quá cảnh qua cảng Xi-ha-núc Vin (Cam-pu-chia). Từ cuối năm 1970, tuyến đường vận chuyển qua cảng Xi-ha-núc Vin bị cắt đứt, Đoàn 125 đã chủ động tìm đường mới bằng cách men theo phía đông các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến vùng biển đông bắc Malaixia, qua Vịnh Thái Lan, khu vực quần đảo Nam Du. Khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Đoàn tạm dừng nhiệm vụ vận tải trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, các đội tàu của Đoàn lại tiếp tục vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng phục vụ cho việc giải phóng các tỉnh và các đảo ven biển miền Nam.
Qua 14 năm (1961 - 1975), những chuyến tàu của Đoàn 759 đã lập những chiến công xuất sắc, đưa 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh cho miền Nam, đưa đón 80.026 lượt cán bộ, chiến sĩ (trong đó, có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, của Quân đội) vào Nam, ra Bắc, vượt qua gần 4 triệu hải lý.
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, được coi là một trong những kỳ tích độc đáo của chiến tranh. Đánh giá về sự vĩ đại của con đường, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công anh hùng và hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của các con tàu “không số”, của quân và dân các bến bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta… Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Tiếp tục nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Từ sau năm 1975 đến nay, đường Hồ Chí Minh trên biển tiếp tục tham gia vận chuyển và chiến đấu, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang.
Từ năm 1976 - 1981, Hải đoàn 125 đã huy động 127 lần chuyến tàu, chở 23.214 tấn hàng và 6.696 lượt cán bộ, chiến sĩ từ đất liền ra đảo, góp phần tăng cường sức mạnh phòng thủ đảo, ổn định một bước nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng thời, trong 2 năm (1978 và 1979), Hải đoàn 125 đã tổ chức 48 chuyến, vận chuyển hàng nghìn tấn vật liệu xây dựng công trình chiến đấu, hàng trăm tấn vật chất hậu cần phục vụ sinh hoạt cho bộ đội trên các đảo dọc tuyến Đông Bắc, trọng tâm là đảo Bạch Long Vĩ, Vạn Hoa.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, lực lượng vận tải quân sự Quân chủng Hải quân đã tổ chức 139 lần chuyến tàu, chở 19.790 tấn hàng hóa quân sự và 25.151 lượt cán bộ, chiến sĩ ra chiến trường và đổ bộ chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế trong chiến dịch Tà Lơn, cùng các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy, đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, tái thiết đất nước.
Sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế, việc tăng cường khả năng phòng thủ đất nước nói chung và phòng thủ biển, đảo nói riêng, nhất là ở quần đảo Trường Sa được đặc biệt coi trọng. Lực lượng vận tải quân sự Hải quân đã vượt qua sóng gió và mọi khó khăn thử thách, vận chuyển hàng triệu tấn hàng, trung bình hằng năm hoàn thành từ 100% đến 105% kế hoạch.
Cùng với thực hiện nhiệm vụ vận tải biển, các tàu vận tải Hải quân đã tham gia nhiều chuyến trực bảo vệ chủ quyền trên biển, kịp thời phát hiện sớm những vấn đề nảy sinh, chủ động đấu tranh, ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển của nước ta, thực hiện đúng đối sách, kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình; thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Lữ đoàn 125 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất (năm 2011), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2016), các cá nhân, tập thể thuộc lực lượng cũng được nhận nhiêu huân chương Quân công và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước, xây dựng nên truyền thống vẻ vang.
PV
Các tin bài khác
- » Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương gửi Thư thăm hỏi, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động trong Khối
- » Hướng dẫn tuyên truyền bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững đất nước
- » Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ NHCSXH TW, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- » Hội nghị triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng
- » Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn phát triển đất nước
- » Học tập và làm theo Bác: ‘Thấm sâu vào tim óc mới là quan trọng’
- » Học tập và làm theo Bác là việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội
- » Góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ
- » Ngày truyền thống thi đua yêu nước 11/6: Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước
- » Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng