Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội

20/04/2013

Untitled-24

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các đồng chí và các bạn!

Hôm nay, tôi rất vui mừng cùng quý vị đại biểu và các đồng chí về đây dự Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của NHCSXH Việt Nam và cũng là dịp NHCSXH Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhì - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Thay mặt Chính phủ, tôi xin gửi tới toàn thể quý vị đại biểu, tới toàn thể các đồng chí lời chào trân trọng. Tôi thân ái gửi tới toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động trong NHCSXH Việt Nam lời thăm hỏi và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.

Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo, hộ nghèo và các đối tượng chính sách, các thế hệ cán bộ NHCSXH Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đoàn kết chung sức chung lòng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Báo cáo của các đồng chí và các ý kiến tham luận tại Hội nghị hôm nay cho thấy NHCSXH Việt Nam đang phát triển vững mạnh và hoạt động ngày càng có hiệu quả.

Thưa quý vị đại biểu,

Bảo đảm an sinh xã hội nói chung, xóa đói, giảm nghèo nói riêng là chủ trương lớn, là sự nghiệp mà Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm hàng đầu. Trong tổng thể các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều chính sách hướng vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo được triển khai và đã mang lại những kết quả hết sức quan trọng. Việt Nam được quốc tế công nhận là quốc gia sớm thực hiện thành công Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về phát triển bền vững, về xoá đói, giảm nghèo và phát triển con người mà trong đó có đóng góp quan trọng của NHCSXH.

Untitled-25

Các đại biểu dự Hội nghị

Qua hơn một thập kỷ hoạt động, NHCSXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng:

Thứ nhất, hoạt động của NHCSXH Việt Nam đã luôn bám sát mục tiêu: Tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước như hộ nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; vay vốn để giải quyết việc; lao động có thời hạn ở nước ngoài; tổ chức kinh tế và hộ sản xuất kinh doanh thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc Chương trình 135; các đối tượng khác, góp phần thiết thực xóa đói, giảm nghèo cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Từ 3 chương trình tín dụng chính sách nhận bàn giao khi thành lập, đến nay NHCSXH đang triển khai 18 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và nhiều chương trình, dự án của các địa phương và các tổ chức, cá nhân ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách mà sắp tới đây là cho vay hộ cận nghèo. Tổng dư nợ tín dụng đã tăng gấp 16 lần; nợ quá hạn liên tục giảm, từ 13,75% khi thành lập xuống còn 1,03% vào cuối năm 2012.

Điều này khẳng định đồng vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đã được các đồng chí phát huy hiệu quả, nhất là vốn tín dụng ưu đãi cho người nghèo. Điều đáng nhấn mạnh là, khách hàng của các đồng chí là những đối tượng chính sách, hầu hết gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, nhưng chỉ số nợ xấu như nói ở trên là mức rất thấp, thể hiện chất lượng hoạt động của các đồng chí.

Thứ hai, với tư duy và cách làm sáng tạo, các đồng chí đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta. Mô hình này đã dựa trên và củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa NHCSXH với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương, gắn bó với người dân thông qua các Ttiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội thành lập (Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên).

Các đồng chí đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước xuống tận các xã một cách công khai, dân chủ. Cách làm này đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế và có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Thông qua đó hoạt động của chính quyền cơ sở, của các tổ chức chính trị - xã hội gắn bó mật thiết hơn với đời sống của nhân dân, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, các tổ chức chính trị - xã hội cũng có thêm động lực để củng cố, phát triển thành viên, phát triển hoạt động hỗ trợ hội viên vượt qua khó khăn.

Hệ thống Điểm giao dịch của NHCSXH trải khắp trên toàn quốc xuống tận các xã là điều kiện để xóa tình trạng xã trắng tín dụng của Nhà nước. Mô hình “Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã” là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Untitled-26

Thứ ba, tôi cũng rất mừng là hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH đảm nhiệm đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác xóa đói, giảm nghèo. Các Bộ ngành, các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), các tổ chức tài chính, tín dụng, cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đều đã tích cực tham gia, hỗ trợ tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách của Nhà nước do NHCSXH thực hiện, nhất là trong các hoạt động như: Tạo lập nguồn vốn, xây dựng cơ sở vật chất (trụ sở làm việc, phương tiện làm việc) và đóng góp thời gian, công sức để giúp NHCSXH Việt Nam nói riêng và hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung ngày càng phát triển.

Với những thành tựu và đóng góp hết sức quan trọng đó, các đồng chí xứng đáng nhận được sự quan tâm, tin cậy của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, mà trước hết là những người nghèo. Đảng và Nhà nước đã trao tặng các đồng chí nhiều phần thưởng cao quý và hôm nay, các đồng chí lại vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng một phần thưởng cao quý nữa là Huân chương Độc lập hạng Nhì, ghi nhận những thành tích và những đóng góp to lớn của ngành trong những năm qua.

Untitled-27

Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, những thành tích xuất sắc đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, công nhân viên và người lao động NHCSXH Việt Nam đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển hơn 10 năm qua. Đạt được những thành tích này, trước hết là nhờ sự cố gắng bền bỉ, tinh thần lao động hăng say, tận tuỵ, ý thức trách nhiệm cao của mỗi người dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền qua các thời kỳ. Những thành tích ấy cũng gắn liền với sự ủng hộ của nhân dân, sự phối hợp, cộng tác của các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương, địa phương trong cả nước và sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Tôi cũng xin biểu dương các cấp ủy Đảng, các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các hội, đoàn thể đã dành sự quan tâm, tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo và hoạt động của NHCSXH trong thời gian qua.

Thưa tất cả các đồng chí,

Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đều rất lớn, NHCSXH phải tiếp tục phấn đấu vươn lên nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đã được Đảng ta xác định là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã liên tục giảm, nhưng số hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn tương đối lớn - khoảng trên 9%; ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ này còn cao hơn. Ranh giới giữa thoát nghèo và tái nghèo là hết sức mong manh nên nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề và phải được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Chính vì vậy, để góp phần cùng cả nước thực hiện thành công định hướng phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới, NHCSXH phải thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, nhất là những giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần các Nghị quyết chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Chính phủ.

Thưa quí vị đại biểu, thưa các đồng chí,

Báo cáo tổng kết của NHCSXH tại Hội nghị này cũng đã đề cập tới một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế nguồn vốn, cơ chế tài chính và cơ chế tín dụng; đồng thời đề xuất các giải pháp để khắc phục. Tôi đề nghị các Bộ ngành và các địa phương cần tập trung xem xét, giải quyết hợp lý, kịp thời các đề xuất, kiến nghị của NHCSXH, tạo điều kiện cho NHCSXH triển khai thực hiện tốt hơn nữa các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Trên tinh thần đó, tôi có một số gợi ý cụ thể:

1. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính và tăng tính tự chủ trong hoạt động của NHCSXH Việt Nam để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từng bước tăng tỷ lệ vốn cấp trong cơ cấu nguồn vốn cho NHCSXH thông qua các hình thức (như cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn dành cho các chương trình an sinh xã hội; tạo điều kiện để NHCSXH tiếp cận với các dự án vay vốn ODA; đề xuất, ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp vào nguồn vốn tín dụng chính sách). Nghiên cứu đề xuất giao định mức chi phí quản lý cho NHCSXH ổn định trong thời kỳ và nâng mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để tạo tính chủ động cho NHCSXH.

Các địa phương cần tiếp tục dành một phần nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương hàng năm ủy thác cho NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần tăng cường nguồn vốn tín dụng giảm nghèo tại địa phương mình.

2. Đề nghị các cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các hoạt động của các hội, đoàn thể với hoạt động tín dụng chính sách, giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, thoát nghèo bền vững.

3. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt hơn nữa những công việc đã được ngân hàng ủy thác, bảo đảm việc cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.

4. Các Bộ ngành chức năng cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách đối với cán bộ, viên chức và người lao động của NHCSXH, tạo điều kiện cho người lao động có điều kiện làm việc tốt hơn, yên tâm công tác, có thu nhập ổn định, gắn bó với ngành.

Tôi đề nghị các đồng chí cán bộ của NHCSXH, từ các đồng chí kiêm nhiệm đến các đồng chí chuyên trách trong toàn hệ thống cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thành công Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thưa các đồng chí và quý vị,

Những năm tới, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có thể còn gặp khó khăn, thách thức. Song tôi tin tưởng rằng kiên trì với mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, với truyền thống vẻ vang 10 năm qua, toàn thể cán bộ, nhân viên của NHCSXH nhất định đoàn kết, năng động sáng tạo, tiếp tục đưa NHCSXH phát triển lên một tầm cao mới, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân.

Chúc quý vị đại biểu, các đồng chí, các bạn nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Untitled-28

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác