
Xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Bà Phạm Thị Minh quê ở tỉnh Phú Thọ. Chồng bà mất khi người con duy nhất mới đầy một tuổi, một mình bà chật vật xoay xở nuôi con. Năm 2001, mẹ con bà Minh dắt díu nhau vào thôn Thống Nhất, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, với hy vọng thay đổi cuộc sống. Ngặt nỗi, không có đất sản xuất, khí hậu khắc nghiệt nên gia đình bà cứ quẩn quanh với cái nghèo. Hai mẹ con bà sống chật vật trong căn nhà gỗ nhỏ, tạm bợ. Căn nhà mùa khô thì nóng hầm hập, mùa mưa dột tứ bề, nên ước mơ về một căn nhà kiên cố cứ canh cánh trong tâm trí người phụ nữ nghèo này.
Năm 2024, được NHCSXH huyện Buôn Đôn giải ngân cho vay 40 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ theo Chương trình 1719, cùng với vay mượn thêm của người thân, mẹ con bà Minh đã xây dựng được ngôi nhà diện tích gần 60m2, tổng kinh phí 175 triệu đồng. Đến nay, gia đình bà Minh đã thoát khỏi diện nghèo; thu nhập từ việc đổ bánh xèo bán và chăn nuôi đã giúp bà có khả năng trang trải cuộc sống và trả nợ. “Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn vay ưu đãi thì không biết đến bao giờ tôi mới được ở trong căn nhà xây kiên cố. Mong sao có nhiều người nghèo, hộ khó khăn được thụ hưởng chính sách này”, bà Minh chia sẻ.
Năm 2025, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk tiếp tục bám sát Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo,x dự kiến sẽ cho khoảng 1.000 hộ nghèo vay 40 tỷ đồng làm nhà theo Nghị định số 28.
Ước mơ xây dựng được ngôi nhà kiên cố bao năm qua của gia đình anh Y Dani Hđơk, buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana cũng đã thành hiện thực. Sau nhiều năm sống trong ngôi nhà dột nát, xuống cấp, cuối năm 2023, gia đình anh được NHCSXH huyện Krông Ana cho vay ưu đãi 40 triệu đồng, cùng với nguồn kinh phí khác để xây dựng nhà ở mới. Căn nhà rộng hơn 70m2 với hai phòng ngủ giúp sinh hoạt của gia đình anh thuận lợi hơn. Anh Y Dani cho biết, trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, phải ở chung với bố mẹ. Sau đó, được nhà nước hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 134, nhưng nhà nhỏ, lại hư hỏng sau nhiều năm sử dụng, nên sinh hoạt của 6 người trong gia đình rất khó khăn. Giờ đây, có nơi ở ổn định, gia đình anh rất vui và có thêm động lực yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Không chỉ gia đình bà Minh, anh Y Dani, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Đắk Lắk được hưởng lợi từ Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.
Chi nhánh NHCSXH Đắk Lắk cho biết, triển khai thực hiện Nghị định số 28, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngân hàng trong rà soát, xác định nhu cầu vay vốn đúng đối tượng và thực hiện giải ngân nhanh chóng, đúng quy định. Trong năm 2024, chính sách tín dụng ưu đãi theo nghị định này chưa được Trung ương phân giao vốn, trong khi các hộ nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng vốn trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây nhà. Vì vậy, chi nhánh đã linh hoạt lấy nguồn vốn địa phương hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 250 hộ gia đình vay trang trải chi phí. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình nghèo đã có nhà mới khang trang trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Minh Chi
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách trợ sức thanh niên DTTS khởi nghiệp
- » Nỗ lực đưa tín dụng chính sách đến với người dân
- » Hiệu quả nguồn vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù
- » Cuộc sống mới nở hoa sau những vấp ngã
- » Sôi nổi hoạt động thiết thực kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
- » Phụ nữ góp phần đưa ngành Ngân hàng Việt Nam vươn tầm cùng đất nước
- » Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ số trong quản lý tín dụng chính sách
- » Tín dụng giúp người lầm lỡ ổn định cuộc sống
- » Nguồn vốn chính sách góp phần hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo
- » Đắk Nông tập trung nguồn vốn vay ưu đãi