Chính sách tín dụng tạo sức bật giảm nghèo

07/02/2025
(VBSP News) Thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực quan trọng giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
6

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đào Thái Hòa trò chuyện và kiểm tra hồ sơ vay vốn của người dân xã Ea Trul, huyện Krông Bông

Chắp cánh cho những ước mơ
Trong không khí Xuân mới trên các buôn làng, chúng tôi cùng đoàn công tác của chi nhánh NHCSXH tỉnh ghé thăm gia đình anh Y Siu Ding ở xã Ea Trul, huyện Krông Bông. Căn nhà mới xây, diện tích gần 60m² của vợ chồng anh đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để dọn vào ở trước thềm năm mới. Để có ngôi nhà mới khang trang, anh được NHCSXH huyện Krông Bông giải ngân cho vay 40 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng từ Chương trình 1719. Gia đình thuộc diện nghèo, đất sản xuất ít, nghề nghiệp không ổn định, nên đời sống rất khó khăn. Lâu nay, 6 người trong gia đình phải sống trong căn nhà nhỏ xập xệ. “Nếu không có nguồn vốn vay NHCSXH thì xây nhà mới chỉ là giấc mơ của tôi. Cả gia đình rất vui được đón Tết trong ngôi nhà mới. Ngoài xây nhà, chúng tôi còn được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để phát triển chăn nuôi. Từ đây vợ chồng tôi yên tâm làm ăn, vươn lên thoát nghèo”, anh Y Siu chia sẻ.
Nghề làm gốm của người M’nông ở xã Yang Tao, huyện Lắk đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Gốm ở đây làm hoàn toàn bằng thủ công, nung lộ thiên, hoa văn, họa tiết độc đáo. Tuy nhiên, làng nghề này gặp nhiều khó khăn, sản phẩm được ít người biết đến. Lớn lên giữa làng nghề, chị H’Hễ Bkrông luôn mong muốn phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình. Ngặt nỗi điều kiện kinh tế của chị cũng khó khăn, nên ước mơ này phải gác lại. Vừa qua, gia đình chị được NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo. Từ nguồn vốn này, chị đã đầu tư mở rộng nghề làm gốm phục vụ du lịch. Chị H’Hễ Bkrông tin tưởng rằng, nghề làm gốm sẽ ngày càng phát triển, sản phẩm gốm đạt chứng nhận OCOP để vươn xa và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk, năm 2024, toàn tỉnh đã có 47.492 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, có 8.472 lượt hộ nghèo, 6.572 lượt hộ cận nghèo, 5.022 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; 607 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 6.207 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 100 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 15.383 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; có 4.895 lượt hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; giải quyết cho vay xây 20 căn nhà cho các đối tượng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; 195 người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn,… Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 9,15% xuống còn 6,65% (giảm 2,5% so với năm 2023); hộ cận nghèo từ 6,8% xuống còn 5,62% (giảm 1,18% so với năm 2023).
Ưu tiên vốn cho vùng đồng bào DTTS
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đào Thái Hòa cho biết: Thời gian qua, chi nhánh đã tích cực tham mưu cho NHCSXH Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai vốn đến người dân một cách kịp thời nhất. Đặc biệt, trong năm 2024, chi nhánh đã tham mưu UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh tạo lập nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác sang NHCSXH để bổ sung cho vay hỗ trợ về nhà ở theo Nghị định số 28/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng. Năm qua, toàn tỉnh đã cho vay được gần 700 tỷ đồng, trong đó đặc biệt quan tâm đến hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân chưa có nhà ở ổn định.
Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 8.020 tỷ đồng (tăng 664,5 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng đạt 8,7%), với 166.662 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng DTTS đạt hơn 3.471 tỷ đồng (chiếm 43,4% tổng dư nợ), với 88.880 hộ còn dư nợ. Bên cạnh việc tập trung thực hiện các các chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng, chi nhánh thường xuyên quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn để nâng cao chất lượng tín dụng. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh hiện còn gần 8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,1%, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (dưới 0,2%), giảm 1,5 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục quan tâm, triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân trên địa bàn tỉnh, phấn đấu tỷ lệ tăng trưởng đạt từ 8% trở lên, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; tranh thủ nguồn vốn Trung ương và tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nguồn lực theo tinh thần Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới, Chỉ thị số 39-CT/TU, ngày 30/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Chi nhánh tập trung vốn cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS, địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, cho con em ăn học, xây nhà ở để cùng địa phương thực hiện Chương trình xóa nhà ở dột nát, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, phát huy vai trò quan trọng của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS trong năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Bài và ảnh Minh Chính

Các tin bài khác