“Bệ đỡ” cho người dân thoát nghèo bền vững

07/02/2025
(VBSP News) Tại tỉnh Sóc Trăng, nguồn vốn chính sách đang là “bệ đỡ” để hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc Khmer phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh từ 2,54% xuống còn 1,32%.
2

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại tỉnh Sóc Trăng thoát nghèo nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách để phát triển kinh tế

Theo Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh Trịnh Bích Tuyền, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về phục hồi kinh tế - xã hội, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được tiếp cận nguồn vốn kịp thời, ổn định sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên và thoát nghèo bền vững.
Đến cuối năm 2024, tổng nguồn vốn chính sách đạt trên 5.700 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách tại chi nhánh đạt 5.746 tỷ đồng, tăng 575 tỷ đồng so với năm 2023, với trên 160.000 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, 16.600 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn chính sách để phát triển kinh tế, với dư nợ cho vay đạt 2.606 tỷ đồng, chiếm 45,4% tổng dư nợ.
Năm 2024, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt. Nhiều giải pháp thiết thực đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và bảo đảm an sinh xã hội.

3

Nguồn vốn chính sách giúp nhiều con em hộ nghèo ở Sóc Trăng đi xuất khẩu lao động có thời hạn

Hơn 3 năm trước, gia đình anh Dương Văn Dô ở xã Long Bình, thị xã Ngã Năm là hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn chính sách 70 triệu đồng để chuyển đổi hơn 4.000m² đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây chanh không hạt. Với 70 triệu đồng, gia đình dùng để thuê nhân công làm đất, mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Nguồn vốn chính sách ưu đãi đã giúp gia đình có điều kiện chuyển đổi mô hình trồng chanh không hạt, cho thu nhập ổn định hơn so với trồng lúa. Gia đình trồng 300 gốc chanh không hạt với lợi nhuận thu hoạch vào mùa thuận từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, còn mùa nghịch từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Nhờ đó mà gia đình anh đã thoát nghèo, mua thêm ruộng đất để tiếp tục canh tác.
Giám đốc NHCSXH thị xã Ngã Năm Nguyễn Việt Chín cho biết: Đến nay, tổng nguồn vốn chính sách tại đơn vị đạt trên 559,596 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt trên 545,828 tỷ đồng, tăng 42,756 tỷ đồng (tăng 8,5%) so với cùng kỳ, với 11.997 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 2.658 lượt hộ dân, giúp hơn 800 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hơn 7.947 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn… Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

4

Giám đốc NHCSXH thị xã Ngã Năm Nguyễn Việt Chín kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn chính sách

Còn tại huyện Cù Lao Dung, nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ mà nhiều hộ nghèo đã vươn lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 0,73% dân số. Giám đốc NHCSXH huyện Phạm Trường Giang cho biết: Đến cuối năm 2024, tổng dư nợ toàn huyện đạt 407 tỷ 893 triệu đồng, tăng 11,73% so với năm 2023. Đơn vị giải ngân cho 3.074 lượt khách hàng, với tổng số tiền 115 tỷ 442 triệu đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo là 671 lượt hộ, với số tiền 30 tỷ 766 triệu đồng. Hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần chung cho công tác giảm nghèo toàn huyện giảm còn 0,73% dân số, hộ cận nghèo 2,84 %.
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện hỗ trợ kịp thời nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, đưa tín dụng chính sách hoạt động hiệu quả góp phần hoàn thành tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu cho biết: Chi nhánh đã kịp thời hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 44.000 lượt hộ, trong đó giúp 16.600 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển kinh tế gia đình, 29 lượt khách hàng vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về cho vay người chấp hành xong án phạt tù; 190 khách hàng vay vốn từ chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS… Việc làm thiết thực này đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,54% xuống còn 1,32 %. Đồng thời, yêu cầu chi nhánh tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 25/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới và thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.

5

Bàn giao nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Thạnh Trị từ nguồn vốn chính sách

Cùng với đó, tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại địa phương, thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách gắn với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh Tuấn Phi/TTXVN

Các tin bài khác