
Tín dụng chính sách trợ sức thanh niên DTTS khởi nghiệp
Theo chia sẻ của chị Diễm (sinh năm 1993), trước đây vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chị phải nghỉ học sớm để phụ giúp bố mẹ làm rẫy. Tới tuổi lấy chồng, chị Diễm được bố mẹ chia cho 1 ha đất trồng cà phê. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên năng suất rẫy cà phê đạt thấp. Năm 2023, qua Đoàn xã Lộc Lâm, chị biết đến chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH. Thông qua Đoàn xã Lộc Lâm, chị Diễm được tín chấp vay 200 triệu đồng từ NHCSXH. “Nhờ nguồn vốn chính sách, gia đình tôi đã đầu tư nuôi dê, nuôi thêm bò, bên cạnh việc chăm sóc rẫy cà phê 1ha. Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi đang có 35 con dê trong giai đoạn sinh sản và 8 con bò, chưa kể rẫy cà phê cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước”, chị cho biết.
Với số vốn vay 200 triệu đồng, cùng số tiền tích cóp được trước đó, chị Diễm bắt tay khởi nghiệp tại quê nhà Lộc Lâm. Chị đầu tư xây dựng chuồng trại, mua dê giống và bò giống, đồng thời mở rộng diện tích trồng bắp sinh khối, trồng cỏ phục vụ việc chăn nuôi của gia đình. Chị Diễm cho biết, tiền thu về cho gia đình từ việc bán bò và bán dê mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Chăn nuôi bò và dê còn giúp gia đình chị tiết kiệm được một khoản chi phí đầu tư không nhỏ - mua phân bón cho cây cà phê. Chị Diễm đã tận dụng nguồn phân chuồng để chăm sóc rẫy cà phê. “Niên vụ cà phê 2024, gia đình tôi thu hoạch được 4 tấn cà phê nhân. Với giá cà phê trên 100.000 đồng/1 kg như hiện nay, gia đình tôi bán và thu về hơn 400 triệu đồng”, chị chia sẻ.
Đây chính là động lực để chị Diễm tiếp tục theo đuổi ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương Lộc Lâm. Theo chị, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ gia đình có vốn để phát triển kinh tế. Trong quá trình sử dụng vốn, chị Diễm còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cán bộ tín dụng, cũng như của tổ chức nhận ủy thác - Đoàn xã Lộc Lâm. Do vậy, chị luôn ý thức sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Bà Trương Thị Lệ Phương - Giám đốc NHCSXH huyện Bảo Lâm, trao đổi: Những năm qua, tổ chức Đoàn đã làm tốt vai trò truyền dẫn vốn chính sách đến các đối tượng chính sách, nhất là các đối tượng thanh niên người dân tộc thiểu số. Thời gian tới, NHCSXH tiếp tục phối hợp với Đoàn các cấp triển khai sâu rộng các chương trình tín dụng ưu đãi đối với đoàn viên, thanh niên để ngày càng có nhiều thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế.
Triều Ka
Các tin bài khác
- » Nỗ lực đưa tín dụng chính sách đến với người dân
- » Hiệu quả nguồn vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù
- » Cuộc sống mới nở hoa sau những vấp ngã
- » Sôi nổi hoạt động thiết thực kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
- » Phụ nữ góp phần đưa ngành Ngân hàng Việt Nam vươn tầm cùng đất nước
- » Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ số trong quản lý tín dụng chính sách
- » Tín dụng giúp người lầm lỡ ổn định cuộc sống
- » Nguồn vốn chính sách góp phần hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo
- » Đắk Nông tập trung nguồn vốn vay ưu đãi
- » Bài 2: Để nguồn vốn chính sách chuyển tải kịp thời, hiệu quả