
Nỗ lực đưa tín dụng chính sách đến với người dân
Nhiệm vụ chính của Tổ tiết kiệm và vay vốn được NHCSXH ủy thác đó là bình xét hồ sơ, giải ngân nguồn vốn và thu tiền gốc, lãi hàng tháng. Song với Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Cói Bánh, xã Ẳng Cang còn chú trọng quản lý tốt nguồn vốn sau khi cho vay.
Chị Quàng Thị Hồng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Cói Bánh cho biết: Nếu hộ vay sử dụng vốn không có hiệu quả, sai mục đích thì đồng vốn ưu đãi sẽ không phát huy tác dụng, gây thất thoát vốn và nợ xấu tăng cao. Do đó, ngay từ khi hộ vay nhận vốn vay, tổ cùng với cấp hội nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Kịp thời nắm tình hình các khoản nợ đến hạn trong tháng liền kề, thường xuyên nhắc nhở hộ vay chủ động thu xếp trả nợ ngân hàng đúng thời hạn. Những hộ gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến không có khả năng trả nợ đúng hạn được hướng dẫn làm thủ tục gia hạn nợ kịp thời hoặc xử lý rủi ro theo quy định. Nhờ đó, hiện nay tổ có 35 tổ viên với dư nợ tại NHCSXH huyện trên 2,6 tỷ đồng, không có nợ quá hạn.
Gia đình bà Tòng Thị Hoạn là một trong những điển hình ở bản Cói Bánh sử dụng nguồn vốn vay chính sách có hiệu quả. Năm 2018 gia đình bà Tòng Thị Hoạn được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Mường Ảng đầu tư mua bò sinh sản. Sau hơn 1 năm chăm sóc, bò giống đã sinh bê con. Xác định chăn nuôi bò sinh sản là hướng phát triển kinh tế, sau khi trả xong nợ ngân hàng, bà Hoạn tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng đầu tư mua thêm 2 con bò giống sinh sản.
Bà Hoạn chia sẻ: Mỗi con bò giống nuôi trung bình từ 14 - 16 tháng sẽ sinh bê con. Từ tiền bán bê con gia đình tôi đã trả hết nợ ngân hàng, không chỉ thoát nghèo mà còn có vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, đàn bò của gia đình tôi có 11 con, ngoài ra, tôi còn nuôi hơn 20 con lợn thịt. Trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 40 triệu đồng từ chăn nuôi.
Là một trong những Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả, Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ dân phố 9, thị trấn Mường Ảng đã được NHCSXH huyện Mường Ảng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và phổ biến nội dung từng chương trình tín dụng. Từ kiến thức nghiệp vụ được trang bị, Tổ tiết kiệm và vay vốn đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Hiện tại, tổ có 60 thành viên với tổng dư nợ hơn 7,5 tỷ đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý nguồn vốn, chị Tô Thị Hồng Nhung cho biết: Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, tổ thường thông báo tới hội viên số tiền có thể cho vay từng đợt, nhắc nhở, đôn đốc hộ vay trả nợ, lãi đúng hạn, đồng thời phổ biến chính sách mới của NHCSXH. Tham gia sinh hoạt tại tổ, các thành viên được phổ biến kiến thức xã hội, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trước mỗi đợt giải ngân, tổ luôn tổ chức họp bình xét dân chủ, công khai, đúng đối tượng, hướng dẫn các hộ vay làm thủ tục đúng quy định. Nhờ đó, tổ luôn là một trong những Tổ tiết kiệm và vay vốn được đánh giá chất lượng hoạt động tốt.
Hiện nay, toàn huyện Mường Ảng có 218 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ trên 546 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ tại NHCSXH huyện Mường Ảng. Được ví như “cánh tay nối dài” giúp chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và đối tượng chính sách, thời gian qua, NHCSXH huyện Mường Ảng đã quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn. Theo đánh giá chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn, toàn huyện có 178 tổ tốt, 30 tổ khá.
Giám đốc NHCSXH huyện Mường Ảng Lò Thị Thanh cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đơn vị thường xuyên tổ chức đào tạo quản lý cho các thành viên trong ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức giao lưu giữa các Tổ tiết kiệm và vay vốn để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, chỉ đạo tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn biết cách làm ăn, thực hiện việc trả nợ đúng kỳ hạn. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện.
CTV
Các tin bài khác
- » Hiệu quả nguồn vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù
- » Cuộc sống mới nở hoa sau những vấp ngã
- » Sôi nổi hoạt động thiết thực kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
- » Phụ nữ góp phần đưa ngành Ngân hàng Việt Nam vươn tầm cùng đất nước
- » Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ số trong quản lý tín dụng chính sách
- » Tín dụng giúp người lầm lỡ ổn định cuộc sống
- » Nguồn vốn chính sách góp phần hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo
- » Đắk Nông tập trung nguồn vốn vay ưu đãi
- » Bài 2: Để nguồn vốn chính sách chuyển tải kịp thời, hiệu quả
- » Hành trình “gặt quả ngọt” từ vốn tín dụng chính sách ở Hải Lăng (Bài 1: Đánh thức khát vọng thoát nghèo)