Tín dụng chính sách nơi “đất chật, người đông”

28/03/2017
(VBSP News) Nhờ có cách làm phù hợp nên 14 năm liên tục, NHCSXH huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đã tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phục vụ đắc lực chương trình giảm nghèo bền vững và phát huy lợi thế về kinh tế nông, công nghiệp, giải quyết việc làm ngay tại địa bàn nông thôn vốn được coi là “đất chật, người đông”.
NHCSXH huyện Thanh Liêm làm thủ tục cho bà con vay vốn ngay tại Điểm giao dịch

NHCSXH huyện Thanh Liêm làm thủ tục cho bà con vay vốn ngay tại Điểm giao dịch

Gia đình bà Đinh Thị Dung ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm là hộ cận nghèo được vay vốn chính sách từ NHCSXH đã mạnh dạn sử dụng vốn vay đào mương dẫn nước phù sa sông Châu và cải tạo khu đồng trũng thành vườn trồng hoa ly, quất cảnh và nuôi gà vườn. “Đầu năm vừa rồi, riêng tiền bán hoa với cây quả gia đình tôi thu lãi trên trăm triệu đồng. Ngoài ra đàn gà trên trăm con sẽ giúp tôi sớm trả nợ hết cho ngân hàng và thực hiện kế hoạch mở mang cơ sở sản xuất”, bà Dung phấn khởi nói. Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Đảm ở thôn Cẩm Du cũng nhờ nguồn vay vốn ưu đãi dành cho người nghèo để chăn nuôi lợn nái, lợn thịt mà đến đầu năm vừa rồi đã thoát hẳn cảnh nghèo khó và hoàn trả vốn vay trước hạn cho ngân hàng. Ngoài gia đình chị Đảm, bà Dung và nhiều hộ dân ở xã Thanh Hà nói riêng, huyện Thanh Liêm nói chung đã và đang được NHCSXH tiếp sức để làm ăn phát đạt, giảm nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Thanh Liêm Nguyễn Thị Huệ cho hay, có được những kết quả đáng khích lệ của công tác tín dụng chính sách là nhờ NHCSXH huyện thường xuyên bám sát các văn bản chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, chú trọng phối hợp với các cấp ngành, hội, đoàn thể triển khai việc huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng tín dụng, chuyển tải kịp thời mọi nguồn vốn tới tận đối tượng thụ hưởng. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liên Nguyễn Thị Huệ cũng cho biết, năm 2003 tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện chỉ đạt 31 tỷ đồng, nay đã tăng lên tới 251 tỷ đồng với 13.048 hộ vay của 9 chương trình tín dụng ưu đãi, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,36% tổng dư nợ. Đặc biệt hiện tại, toàn huyện có 1/3 số xã, thị trấn đã có chất lượng tín dụng tốt, giữ ổn định và không nợ quá hạn.

Cùng với việc tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn hoạt động, tăng trưởng dư nợ, NHCSXH huyện Thanh Liêm còn phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể thực hiện nghiêm túc hợp đồng uỷ thác vay vốn ưu đãi. Trong đó điển hình là Hội Phụ nữ có dư nợ nhận uỷ thác 113 tỷ đồng với 5.100 hộ vay vốn, Hội Nông dân là 83 tỷ đồng có 3.677 hội viên vay,… Ngoài ra, huyện cũng củng cố kiện toàn chất lượng hoạt động của mạng lưới 309 Tổ tiết kiệm và vay vốn và xây dựng hệ thống Điểm giao dịch tại 19 xã, thị trấn trên địa bàn. Nhờ vậy, đồng vốn ưu đãi đã được ưu tiên đầu tư cho các thôn, xóm, những người nghèo và các xã nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ở Thanh Liêm ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phụ nữ làm kinh giỏi từ nguồn vốn chính sách

Ở Thanh Liêm ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phụ nữ làm kinh giỏi từ nguồn vốn chính sách

Có thể nói, nhờ có nguồn vốn ưu đãi mà hàng vạn lao động tại Thanh Liêm đã chủ động được thâm canh đồng ruộng, phát triển chăn nuôi, mở mang ngành nghề, tạo việc làm, sửa sang, xây mới các công trình cung cấp nước sạch vệ sinh nông thôn, tạo nên những phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu là phong trào phụ nữ vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa được khởi xướng từ sự phối hợp giữa Hội Phụ nữ xã Thanh Hà với NHCSXH huyện. Hội Phụ nữ bằng những việc làm cụ thể như tư vấn, hướng dẫn hội viên vay vốn thuận lợi, lựa chọn xây dựng, mô hình sản xuất hiệu quả đã giúp các hộ gia đình phát huy hiệu quả thiết thực của đồng vốn vay từ NHCSXH.

Để hoạt động tín dụng chính sách ở nơi “đất chật người đông” như Thanh Liêm phát triển bền vững, hiệu quả, thời gian tới NHCSXH huyện sẽ làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với các hội, đoàn thể, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã, các Tổ giao dịch lưu động, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, phấn đấu tăng trưởng dư nợ và giảm tỷ lệ nợ quá hạn, phục vụ đắc lực chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Khánh Hồ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác