Hộ nghèo Thái Nguyên được sử dụng nước sạch

23/12/2012
(VBSP) Ông Dương Văn Toản - Trạm trưởng Trạm dịch vụ xây dựng công trình NS&VSMTNT tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Tính đến hết năm 2011, tổng dân số nông thôn được dùng nước sạch của tỉnh Thái Nguyên là 822 nghìn người (chiếm 80% dân số toàn tỉnh). Mục tiêu phấn đấu của Thái Nguyên đến năm 2015 sẽ có 95% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh".
Nhờ nguồn vốn cho vay ưu đãi, hàng ngàn hộ dân nghèo ở Thái Nguyên đang có cơ hội được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh

Nhờ nguồn vốn cho vay ưu đãi, hàng ngàn hộ dân nghèo ở Thái Nguyên đang có cơ hội được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh

Xã Hà Châu - là một trong những địa phương thuộc diện khó khăn của huyện Phú Bình, đời sống của người dân còn gặp nhiều thiếu thốn. Do địa hình sông suối xa nên mùa hè, tình trạng thiếu nước xảy ra nghiêm trọng. Cách đây 5 năm, Hà Châu được đầu tư hệ thống nước từ trên núi về các trụ vòi công cộng. Mỗi cụm và được chia cho khoảng vài ba chục hộ dân. Tuy nhiên, do công trình ngày càng xuống cấp, lượng nước thất thoát nhiều trong khi nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng tăng nên không đáp ứng được.

Đầu năm 2011, Trung tâm NS&VSMTNT đã thực hiện dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình nước sạch cho Hà Châu với quy mô lớn hơn, nhằm đưa nước về tại nhà cho 1.500 hộ dân trong vùng. Kinh phí dự án này trên 4 tỷ đồng, người dân đóng góp gần 1 tỷ đồng, còn lại do NHCSXH hỗ trợ từ Chương trình tín dụng NS&VSMTNT.

Đánh giá hiệu quả chương trình, ông Hoàng Văn Luyện - Bí thư Đảng uỷ xã Hà Châu cho biết: “Toàn xã hiện có 600 hộ dân sử dụng vốn vay NHCSXH bắc đường ống dẫn  nước sạch về tận nhà nên đã hết cảnh thiếu nước. Có nước sạch dùng, vệ sinh nông thôn cũng thay đổi hẳn, nhiều loại bệnh như đau mắt đỏ, đau bụng giảm hẳn…”.

Niềm vui của người dân xã Hà Châu cũng chính là niềm vui của hàng nghìn người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa khác như Nga Mỹ (Phú Bình) Trung Lương (Đại Từ) vì các công trình nước sạch được NHCSXH đầu tư cho vay vốn ưu đãi và Trung tâm NS&VSMTNT xây dựng, và đưa vào hoạt động các công trình nước sạch có hiệu quả. Tại xã miền núi Nga My có tỷ lệ hộ nghèo rất cao khoảng 38%. Mặt khác, các hộ dân nơi đây đã từ lâu quen dùng nguồn nước giếng khơi, nay bỏ giếng đi để dùng nước sạch từ nhà máy thì lại tiếc.

Nắm bắt được thực tế đó, Trạm dịch vụ xây dựng nước sạch của tỉnh đã phối hợp với NHCSXH triển khai dự án cho các hộ dân vay vốn ưu đãi để vừa bắc đường ống dẫn nước về nhà. Chủ hộ nông dân Nguyễn Văn Lương ở xóm Điền, xã Nga Mỹ phấn khởi nói: “Nhờ nguồn vốn ưu đãi đó nên bà con rất ủng hộ và tham gia vay vốn dẫn nước sạch từ nhà máy về nhà dùng”.

Rút kinh nghiệm từ những địa phương khác, do thiếu sự quản lý đồng bộ đối với công  trình nước sạch nên hiệu quả thấp, mau hư hỏng, nhiều xã ở các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Bình… đã thay đổi phương thức quản lý, khai thác, vận hành phù hợp với thực tế, đảm bảo đồng vốn ưu đãi phát huy hiệu quả. Ông Chủ tịch UBND xã Nga Mỹ, Nguyễn Hữu Hùng cho biết: “Do bà con gặp khó khăn nên mức thu phí chỉ 2.000 đồng/m3 nước. Thời gian đầu, công trình ít bị hư hỏng nên chúng tôi dùng số tiền thu được hỗ trợ kéo tuyến nước về các cụm dân cư ở xã để bà con có nước sạch dùng”.

Tuy nhiên, theo NHCSXH tỉnh Thái Nguyên cho biết: để chương trình nước sạch thực sự phát huy hiệu quả, ở mỗi địa phương cần phải có nhiều hoạt động thiết thực như sử dụng vốn ưu đãi đúng mục đích, mở lớp tập huấn cho cán bộ, nhân dân về sử dụng, bảo trì các công trình cấp nước; lập ra các quỹ đóng góp cho việc tu sửa, bảo dưỡng công trình và tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu về tầm quan trọng và lợi ích của chương trình NS&VSMTNT để người dân tham gia xây dựng, bảo quản, gìn giữ.

Thanh Hòa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác